Ngày 21/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có buổi làm việc với Ban Thường vụ 3 tỉnh, gồm: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.
Cùng tham dự có lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương; Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ;… Buổi làm việc được tổ chức tại TP Đà Lạt.
Đây là buổi làm việc thứ 2 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình với 3 địa phương: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông về nội dung thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.
 |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, kể từ sau cuộc làm việc với 3 tỉnh vào ngày 19/4 tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa qua, các nội dung, nhiệm vụ được thống nhất đã được các tỉnh rất chủ động, tích cực triển khai thực hiện; không khí đồng thuận, đoàn kết, thống nhất giữa 3 tỉnh rất cao.
"Trong thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy, các đồng chí ở 3 tỉnh rất thống nhất, chung sức đồng lòng, cùng hợp tác với nhau trong giải quyết công việc, nhiệm vụ chung. Tinh thần đoàn kết thống nhất lan tỏa từ các đồng chí Thường vụ đến các cơ quan, đơn vị của các địa phương để bảo đảm cho những nhiệm vụ, công việc tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự thống nhất, đồng thuận cao và thực hiện thành công", Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá và cho biết, song song với việc thực hiện tốt công tác sắp xếp bộ máy, chuẩn bị Đại hội, 3 địa phương cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo cho đời sống nhân dân… Mọi hoạt động của các địa phương được bảo đảm liên tục, liền mạch, không bị đứt gẫy, gián đoạn.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất phương án nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, 3 tỉnh là Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông đã phối hợp trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội về nhiệm vụ hợp nhất 3 tỉnh và xem xét, quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng mới.
Dự kiến tổng số đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lâm Đồng mới là 124 xã, phường mới. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng từ 137 xã, phường, thị trấn giảm xuống còn 51 xã, phường mới, tỉnh Bình Thuận từ 121 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 xã, phường mới và tỉnh Đắk Nông từ 71 xã, phường, thị trấn xuống còn 28 xã, phường mới.
Về tổ chức bộ máy, trên cơ sở chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông thành 1 tỉnh Lâm Đồng mới, 3 địa phương đã phối hợp, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị (theo từng ngành, lĩnh vực) xây dựng Đề án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình HĐND tỉnh Lâm Đồng mới ban hành nghị quyết thành lập sở, ngành, đơn vị (thực hiện ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập tỉnh Lâm Đồng mới).
Đến nay, về cơ bản các sở, ngành của 3 tỉnh đã phối hợp, hoàn thành việc xây dựng Đề án, chuẩn bị các phương án về nhân sự, biên chế, cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, không để gián đoạn, trì trệ trong quá trình chuyển giao, sắp xếp bộ máy.
 |
Quang cảnh hội nghị |
Báo cáo của lãnh đạo 3 địa phương tại buổi làm việc đều khẳng định việc sắp xếp, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản thuận lợi, nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn kịp thời của các cơ quan ở Trung ương, có sự đồng thuận của các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các tỉnh. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực để đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan Trung ương về xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Đồng thời quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận; thường xuyên theo dõi, phân công rõ ràng, rà soát đảm bảo tiến độ và lộ trình thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc hợp nhất giúp hình thành các đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn để có không gian phát triển, thu hút đầu tư, góp phần tái cơ cấu không gian phát triển giữa nông thôn-đô thị, giữa trung tâm-vùng sâu xa.
Đồng thời, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy giúp giảm thiểu sự chồng chéo, rườm rà trong các cơ quan, đơn vị, góp phần làm cho công tác điều hành trở nên linh hoạt hơn, nhanh chóng hơn; cải thiện sự phối hợp giữa các đơn vị và tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng, không để lãng phí nhân lực vào những công việc không cần thiết.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khẳng định, việc triển khai thực hiện các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương đã được địa phương quyết liệt triển khai thực hiện với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; từ đó, đã hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đã cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu theo chỉ đạo của Trung ương.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bình Thuận luôn khẳng định tinh thần phối hợp tốt với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và Đắk Nông; tham gia góp ý vào các dự thảo có liên quan giữa 3 tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao để triển khai Đề án sáp nhập 3 tỉnh đạt kết quả tốt nhất, đảm bảo tiến độ, yêu cầu của Trung ương.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các địa phương cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi còn gặp khó khăn trong việc phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý, việc hợp nhất các đơn vị hành chính, các đơn vị, tổ chức dẫn đến một số "xung đột" trong công việc. Do số lượng đơn vị hành chính, cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp nhiều, phạm vi rộng, phần nào cũng không tránh khỏi sự tác động đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã khi triển khai thực hiện Đề án không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã do hiện nay Trung ương chưa ban hành các quy định về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã.
Các địa phương cũng nêu lên các kiến nghị, đề xuất với Trung ương, trong đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã và hướng dẫn rõ hơn về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, định mức biên chế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp xã sau khi sáp nhập.
Các cơ quan chức năng sớm ban hành Khung tiêu chuẩn chức danh cán cán bộ, công chức cấp xã để các địa phương làm căn cứ cụ thể hóa, ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã khi thành lập mới. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo với quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cũng có các báo cáo cụ thể về công tác phối hợp chuẩn bị đại hội Đảng, nhất là công tác chỉ đạo, triển khai xây dựng dự thảo văn kiện trình đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã; tiêu chuẩn, các phương án về nhân sự đại hội.