Chiều 31/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình, kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 chương trình là 102.000 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài; vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương bố trí đạt gần 97.900 tỷ đồng).
Kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đến tháng 3/2025, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,9% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 80%); tỉ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6% (mục tiêu là 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).
Chương trình Giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%).
 |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:VGP |
Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân; giáo dục; lao động qua đào tạo nghề; bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; tăng cường công tác y tế.
Ba nhóm mục tiêu chưa đạt: Cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; giảm số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất.
Riêng trong năm 2025, tổng dự toán, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương dành cho 3 chương trình là hơn 53.500 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng đã giao gần 30.400 tỷ đồng (gồm gần 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 8.400 tỷ đồng kinh phí thường xuyên).
Ước đến hết tháng 3/2025, các địa phương giải ngân 3.836 tỷ đồng vốn đầu tư công Trung ương (đạt 16%); kinh phí thường xuyên đạt 323 tỷ đồng (đạt 1,8%).
 |
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Phát biểu về những khó khăn, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, một số nội dung thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, nhất là Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một số nội dung hỗ trợ của 2 chương trình Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không còn đối tượng triển khai hoặc định mức hỗ trợ còn thấp.
Một số địa phương chưa chủ động rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án, phân bổ, giao kế hoạch vốn.
Trong những tháng đầu năm 2025, các bộ ngành, địa phương tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy nên chưa tập trung triển khai thực hiện, giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ghi nhận các kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cho rằng cần tổng kết đầy đủ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thống nhất giải pháp tháo gỡ, quyết tâm phân bổ và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công và kinh phí thường xuyên theo kế hoạch; ban hành bộ tiêu chí mới về xây dựng nông thôn, giảm nghèo theo hướng tích hợp, giảm chồng chéo, trùng lặp.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu ở địa phương; phân định thẩm quyền, nhiệm vụ giao cho tỉnh, cho xã sau khi bỏ cấp huyện, bảo đảm thực hiện các chương trình mục tiêu liên tục, không gián đoạn; xây dựng lại các tiêu chí, có bổ sung, hoàn thiện.
 |
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ rõ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện "nằm ở đâu, trách nhiệm của ai", nhằm bảo đảm 100% các mục tiêu đặt ra đối với 3 chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu lớn là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Tuy nhiên, 3 chương trình có sự chồng lấn về đối tượng hỗ trợ, mục tiêu, nguồn vốn đầu tư còn dàn trải.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đóng góp các ý kiến tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác điều phối, phân cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành mục tiêu của 3 chương trình; không để xảy ra khoảng trống, vướng mắc khi các địa phương thực hiện sáp nhập cấp xã, tỉnh, bỏ cấp huyện; đồng thời khẩn trương chuẩn bị xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ từ nay đến cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phấn đấu để cơ bản hoàn thành các mục tiêu đặt ra mang tính tổng hợp, rất có ý nghĩa trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc đạt chỉ tiêu về giảm số huyện nghèo, số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều thách thức.
Để đạt được yêu cầu sử dụng hiệu quả, thiết thực, cấp bách nguồn vốn mà Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tổng hợp, đề xuất phân bổ nguồn vốn đầu tư, kinh phí thường xuyên còn lại dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Xây dựng trao đổi với Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát, ưu tiên cho đối tượng người có công, gia đình chính sách.
Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bảo đảm bền vững, không chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau, bảo đảm công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đề xuất phương án kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện 3 chương trình ở Trung ương và địa phương. Còn các địa phương cần chuẩn bị thật tốt các dự án thuộc 3 chương trình để khi có kinh phí thì thực hiện được ngay.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về 3 chương trình mục tiêu; đề xuất chương trình mới nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, chưa dựa vào đối tượng, vùng có tính đặc thù và phân định rõ nhiệm vụ với các chương trình mục tiêu khác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế.
Các bộ chủ quản từng chương trình tổng kết toàn diện, bài bản, khoa học, chỉ rõ những vấn đề chồng chéo, trùng lặp; đồng thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình ở một số địa bàn đặc thù, có chỉ đạo, đề xuất cụ thể trong thời gian tới.