Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến.
|
Ảnh minh họa. |
Chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng
Bộ Tư pháp nhìn nhận, quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) số 2 hiện nay đang bị lạm dụng. Luật LLTP quy định có 02 loại Phiếu LLTP được cấp là Phiếu LLTP là Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2.
Khác với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Tuy nhiên, từ năm 2012, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng (năm 2011 chỉ có 3.125 yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đến năm 2016: đã có 99.031 yêu cầu, chiếm tỷ lệ 29% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP).
Cũng theo Bộ Tư pháp, thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 không xuất phát từ yêu cầu muốn biết về nội dung LLTP của mình mà do xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài; xin việc làm, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Thực trạng này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
Theo phản ánh của công dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, khó khăn, thậm chí mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…
Theo quy định của Luật LLTP (điểm b khoản 2 Điều 41), Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 trong thời gian qua, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, bảo đảm mục đích nhân đạo của chế định xóa án tích, dự thảo Luật Sửa đổi quy định này theo hướng Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân.
Bổ sung nhiệm vụ của Viện kiểm sát
Một bất cập nữa là quy định của Luật LLTP hiện nay chưa bảo đảm thực hiện chế định về đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS 2015).
Theo quy định của hai Bộ luật này, toàn bộ việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP sẽ do Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp) thực hiện.
Bên cạnh đó, BLHS 2015 quy định một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Bộ luật này quy định (khoản 2, khoản 3 Điều 70).
BLTTHS 2015 (Điều 179) quy định: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.
VKS là cơ quan phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra và trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can trong trường hợp VKS phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm chưa bị khởi tố, VKS đã yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.
Việc xác định có “hành vi phạm tội mới” còn phải xem xét đến những giai đoạn tiếp theo trong quá trình tiến hành tố tụng đối với người đó.
Trong khi đó, Luật LLTP chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và VKS, Tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan có liên quan trong cung cấp, cập nhật, xác minh thông tin về “thực hiện hành vi phạm tội mới” để xem xét điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án.
Để bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên được xóa tích của BLHS 2015 và BLTTHS 2015, Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ của VKS ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can cung cấp các quyết định đó cho Sở Tư pháp nơi VKS có trụ sở.
Định kỳ, Cơ quan quản lý LLTP, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với VKS, Tòa án, Cơ quan điều tra có liên quan thực hiện rà soát những người đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS. Cơ quan quản lý LLTP, Sở Tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu LLTP.
Đồng thời, để bảo đảm tính chính xác của Phiếu LLTP, Dự thảo Luật bổ sung quy định trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có án tích và thông tin về việc đương nhiên xóa án tích chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP, Cơ quan cấp Phiếu có trách nhiệm đề nghị VKS ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can cung cấp thông tin về việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử người đó.
Đối với thông tin về “hành vi phạm tội mới” có trước ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP có hiệu lực, Dự thảo Luật bổ sung quy định về điều khoản thi hành theo hướng Tòa án, VKS, cơ quan điều tra, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú có trách nhiệm cung cấp thông tin theo đề nghị của Cơ quan quản lý LLTP, Sở Tư pháp để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP.