Chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc họp nghe Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia báo cáo về định hướng sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đồng tình với đề xuất chuyển mô hình Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ hai cấp hiện nay thành một cấp nhằm đáp ứng chủ trương cải cách hành chính.
Để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và để hỗ trợ hoạt động tố tụng, hỗ trợ công tác quản lý hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) sẽ còn nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung.
Theo Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng, một trong những vấn đề đó là sửa đổi mô hình Cơ sở dữ liệu LLTP. Ông Hùng cho rằng, việc chuyển đổi phù hợp với bối cảnh thực tiễn và điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin.
Hơn nữa, Trung tâm LLTP quốc gia cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng phần mềm tự động hóa việc cập nhật thông tin LLTP để xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP.
Cụ thể, ông Hùng đề xuất chuyển đổi mô hình từ hai cấp hiện nay sang mô hình một cấp tập trung, thống nhất và được quản lý tại Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, dự kiến có 2 phương án triển khai là sẽ chỉ có một cơ quan duy nhất thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác Cơ sở dữ liệu LLTP quốc gia và có các chi nhánh tại một số khu vực.
Còn phương án 2 thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP của Bộ Tư pháp sẽ thực hiện tích hợp, xử lý, cập nhật, quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu và 63 Sở Tư pháp là đầu mối tiếp nhận, kiểm tra, phân loại thông tin LLTP.
Cả hai phương án đều có những ưu điểm, hạn chế. Nếu theo phương án 2 sẽ tận dụng được tổ chức, biên chế, trang thiết bị hiện có tại các Sở Tư pháp và các Sở Tư pháp tiếp tục làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ các cơ quan có liên quan ở địa phương.
Nhưng mô hình này có hạn chế trong việc các Sở Tư pháp vẫn phải quản lý, lưu trữ thông tin LLTP bằng giấy do các cơ quan có liên quan cung cấp.
Trong khi theo phương án 1 sẽ đòi hỏi phải điện tử hóa thông tin LLTP “đầu vào”, có giải pháp về trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người, hồ sơ bằng giấy cũng như giải pháp đồng bộ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan cung cấp thông tin trên phạm vi toàn quốc và có lộ trình chuyển đổi hiệu quả mô hình từ hai cấp thành một cấp.
Tuy nhiên, với phương án 1, việc cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP sẽ chặt chẽ, nhanh chóng và kịp thời, giảm được sự lãng phí về kinh phí, thời gian, trang thiết bị, phù hợp với xu thế, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật LLTP sau 5 năm triển khai thi hành và yêu cầu Trung tâm LLTP quốc gia sớm hoàn thiện Báo cáo định hướng sửa đổi, lấy ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ, thậm chí có vấn đề cần báo cáo trước với Chính phủ.
Về sửa đổi mô hình Cơ sở dữ liệu LLTP, Bộ trưởng nhất trí với phương án 1 bởi theo Bộ trưởng, “càng ít người quản lý thì dữ liệu càng chính xác”.
Ngoài ra, nếu xây dựng được cơ chế mà mọi thông tin LLTP đều về cơ quan quản lý duy nhất thuộc Bộ Tư pháp, địa phương không phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về LLTP thì sẽ giúp tinh gọn bộ máy, đúng chủ trương giảm biên chế hiện nay.