Việc cải cách thủ tục theo hướng đơn giản hóa đang được Bộ Tư pháp tính đến trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp.
Hơn 80 thủ tục có yêu cầu Phiếu Lý lịch tư pháp
Trong 5 năm qua, nhiều pháp luật chuyên ngành khác đã quy định về Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trong các lĩnh vực của mình.
Đến nay, có hơn 80 thủ tục hành chính có yêu cầu Phiếu LLTP như thủ tục về nuôi con nuôi, quốc tịch, luật sư, quản lý cư trú, tổ chức phi chính phủ, khám chữa bệnh, khoa học và công nghệ, hàng không, chứng khoán, bảo hiểm…
Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng chủ động yêu cầu Phiếu LLTP phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng, quản lý nhân sự, cho phép nhập cư.
Như thế, có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của Phiếu LLTP đã được đề cao, tương tự “giấy thông hành” về mặt nhân thân để người dân có thể tham gia vào nhiều hoạt động dân sự của đời sống xã hội. Có điều, các quy định về cấp Phiếu LLTP hiện hành đang phát sinh một số vướng mắc.
Chẳng hạn, thực tiễn triển khai quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 cho thấy quy định này đã bị lạm dụng.
Theo đó, một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã yêu cầu cá nhân là công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 để làm một số thủ tục tại cơ quan đại diện như xin định cư, đăng ký kết hôn...
Do vậy, ảnh hưởng phần nào tới chủ trương tái hòa nhập cộng đồng của Đảng và Nhà nước ta, sử dụng Phiếu LLTP không đúng mục đích theo quy định của Luật LLTP, ảnh hưởng đến bí mật đời tư cá nhân, gây khó khăn cho người dân, cho cơ quan tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu LLTP.
Thủ tục cấp Phiếu cũng gây khó khăn nhất định cho người dân. Cụ thể, theo quy định của Luật LLTP, cá nhân phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP và nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu.
Chính phương thức cấp Phiếu này đã làm tăng chi phí và không thuận lợi cho người yêu cầu cấp Phiếu đang học tập, lao động, cư trú ở nước ngoài hoặc cư trú ở xa nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Ngoài ra, đa số các trường hợp công dân Việt Nam có thời gian thường trú tại nhiều tỉnh, thành phố, có thời gian cư trú ở nước ngoài thì kết quả tra cứu, xác minh của Công an cấp tỉnh thường chậm so với quy định.
Nguyên nhân chính của việc chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP cho dân là do có sự “tắc nghẽn” một cửa tra cứu bên Công an tỉnh, phương pháp trao đổi thông tin thủ công, chưa được quan tâm, chú trọng.
Quyết tâm cải cách phục vụ người dân
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sẽ cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp Phiếu LLTP, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Trong đó, sẽ sửa đổi quy định về Phiếu LLTP số 2, nhất là liên quan đến đối tượng được quyền yêu cầu cấp Phiếu. Đồng thời, sẽ tính đến việc tăng đầu mối cấp Phiếu cho người dân kết hợp với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để họ có quyền lựa chọn cơ quan cấp Phiếu thuận tiện nhất và không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Tại cuộc họp nghe báo cáo chuẩn bị tổng kết 5 năm thi hành Luật LLTP diễn ra hôm qua (29/3), một số ý kiến tán thành với định hướng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP nêu trên nhằm góp phần cải cách hành chính, giảm chi phí, gánh nặng cho người dân.
Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định sẽ cùng Trung tâm LLTP quốc gia tích cực rà soát các thủ tục liên quan có yêu cầu Phiếu LLTP, bảo đảm phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt sẽ thể chế hóa trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật tới đây.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Lê Thành Long cũng đồng tình phải có định hướng về cải cách thủ tục hành chính về LLTP. Không những thế, theo Thứ trưởng, vướng mắc hàng đầu hiện nay là tình trạng “đói” thông tin LLTP do phải phụ thuộc vào các cơ quan khác, thông tin LLTP cung cấp chưa kịp thời, chưa chính xác… đều cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp.