Với chiến lược công nghiệp có thể xem là thất bại trên nhiều khu vực, phá giá tiền đồng nhiều khả năng chỉ đem lại hại (gánh nặng nợ nước ngoài khi quy ra tiền đồng, lạm phát và vòng xoáy bất ổn vĩ mô) thay vì có lợi.
Trong những tuần gần đây, tranh luận về việc có nên phá giá để thúc đẩy xuất khẩu quay trở lại khi đồng tiền nhiều nước láng giềng đã mất giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ, trong đó đáng chú ý là đồng nội tệ của một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam là Trung Quốc đã mất giá tới 8%. Người ta nói rằng chiến tranh thương mại đang kéo theo chiến tranh tiền tệ và do đó Việt Nam có thể cũng nên hạ giá đồng nội tệ để bảo vệ mình.
Điều này không lạ khi mà từ lâu nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam đã than thở rằng họ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc và các nước láng giềng khác, trong đó có lý do... tỷ giá. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng có những doanh nghiệp Việt Nam rất sợ tiền đồng mất giá vì họ đang vay nợ bằng ngoại tệ và con số này đang lớn lên rất nhanh trong mấy năm qua.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu phá giá có thật giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay không, về cả lý thuyết, bằng chứng nghiên cứu ở các nước và thực tiễn Việt Nam.
Tỷ giá và tăng trưởng kinh tế: những lý thuyết mới
Theo Stiglitz và đồng sự, tỷ giá có tính cạnh tranh hay phá giá chỉ có lợi khi hàng xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hóa (domestic contents) cao. Đây là điều kiện mà Việt Nam thiếu.
Nghiên cứu của Lane và Stracca công bố năm 2018 trên tạp chí Economic Policy cho rằng đồng tiền định giá cao có hai tác động. Một mặt, đồng tiền định giá cao làm giảm năng lực cạnh tranh và xuất khẩu, nên có hại cho tăng trưởng. Nhưng đồng thời, đồng tiền định giá cao cũng có tác động phân bổ lại nguồn lực ra khỏi khu vực sản xuất và hướng nguồn lực dồn về phía dịch vụ và các sản phẩm không xuất nhập khẩu, cũng như làm giảm giá tương đối nguyên liệu nhập khẩu, tăng thu nhập thực và do đó thúc đẩy chi tiêu.
Vì vậy, khác với lý thuyết truyền thống chỉ nhìn vào năng lực cạnh tranh, khi nhìn vào tổng thể nền kinh tế, một đồng tiền định giá cao tương đối vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn. Lane và Stracca tìm thấy kết quả là đồng tiền định giá cao tương đối có giúp ích cho một số nước của liên hiệp châu Âu trong giai đoạn đầu đồng euro lên giá.
Những nghiên cứu này cho thấy không có bằng chứng rõ ràng là đồng tiền định giá cao hay thấp sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong trung hay dài hạn vì hai tác động trái ngược: một mặt đồng nội tệ cao giá làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, một mặt làm tăng thu nhập thực tương đối của người dân và tạo thuận lợi cho tăng trưởng nhờ tăng tổng cầu và đẩy lĩnh vực dịch vụ phát triển.
Năm 2018, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cùng với cộng sự đăng một bài nghiên cứu thu hút nhiều chú ý trên World Development, với vài quan điểm khá mới:
(1) Chính sách tỷ giá thực phải đi theo hướng ổn định và có tính cạnh tranh (có điều kiện).
(2) Chính sách tỷ giá thực (RER) phải đi đôi với chiến lược phát triển công nghiệp. Về chiến lược phát triển công nghiệp ở Việt Nam các chuyên gia như Giáo sư Trần Văn Thọ và Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đã nói rất nhiều. Nhưng những thảo luận về mối liên kết chính sách tỷ giá thực-chiến lược công nghiệp hình như còn thiếu.
Vậy phải chăng lý thuyết mới của Stiglitz ủng hộ phá giá để thỏa mãn tính chất “có tính cạnh tranh”? Không hoàn toàn như vậy, vì tính cạnh tranh trong mô hình của Stiglitz là “có điều kiện”.
Theo Stiglitz và đồng sự, tỷ giá có tính cạnh tranh (đồng nội tệ rẻ tương đối) có một vài phản ứng phụ. Trong đó có những điều mà nhiều chuyên gia trong nước đã nói đến, đó là tăng chi phí nhập khẩu vốn (nợ, máy móc) và hàng hóa. Lấy ví dụ trường hợp của Việt Nam, chuyên gia Bùi Trinh đã có tính toán rằng, tiền đồng mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.
Stiglitz còn đề cập đến nghiên cứu của Blaum (2017) cho thấy bằng chứng là khi phá giá thì giai đoạn đầu nhập siêu còn mạnh hơn và sẽ tạo vòng xoáy tiếp tục tạo áp lực mất giá đồng tiền (nghĩa là phá giá 2-3% có thể dẫn đến mất giá 6-7%).
Ngoài ra, phá giá cũng làm cho lạm phát tăng, sức mua của người trong nước giảm, người nghèo thiệt hại nhiều hơn người giàu vì gói hàng hóa tiêu dùng cơ bản của người nghèo bị ảnh hưởng của lạm phát rất mạnh.
|
Không có bằng chứng rõ ràng là đồng tiền định giá cao hay thấp sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong trung hay dài hạn. Ảnh: THÀNH HOA |
Vì vậy, theo Stiglitz và đồng sự, tỷ giá có tính cạnh tranh hay phá giá chỉ có lợi khi hàng xuất khẩu có tỷ lệ nội địa hóa (domestic contents) cao. Đây là điều mà Việt Nam thiếu (và bản thân nó quay lại liên quan đến chính sách công nghiệp). Với Việt Nam, hiện không phải là thời điểm tốt để áp dụng giải pháp phá giá nhằm đạt được tỷ giá thực có tính cạnh tranh như trong mô hình của Stiglitz, vì thiếu điều kiện cần để nó có lợi, nhưng lại thừa điều kiện đủ để cái hại phát huy.
Trong khi đó, duy trì tỷ giá ổn định thì có lợi vì nó tạo ổn định vĩ mô, giảm bất ổn nên tăng đầu tư. Điều này gần với thực tế là nhà đầu tư quốc tế ngại đầu tư vào một nước nếu ổn định vĩ mô của nó thấp. Điều đó cũng hàm ý là không thể đột ngột phá giá mạnh một đồng tiền từ mức không cạnh tranh sang mức cạnh tranh, vì nó vi phạm nguyên tắc ổn định.
Thử vận dụng vào chính sách tỷ giá của Việt Nam
Nếu đi theo hướng tỷ giá ổn định và có tính cạnh tranh của Stiglitz, theo cách hiểu của bản thân người viết, để đạt tiêu chí ổn định, tỷ giá không nên biến động quá mạnh (như kiểu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 8% thì mình cũng phá giá tiền đồng 8% theo). Đồng tiền của Việt Nam về cơ bản vẫn là định giá cao theo các tính toán tỷ giá thực, do đó để đảm bảo một tỷ giá thực có tính cạnh tranh thì ta vẫn cần để nó mất giá so với đô la Mỹ. Tuy nhiên, phá giá mạnh sẽ gây sốc hơn là giúp ích và vi phạm tính ổn định của mô hình mà Stiglitz đề xuất. Sự mất ổn định sẽ dẫn đến các chi phí dễ thấy là nguy cơ vỡ nợ các khoản nợ vay nước ngoài của các doanh nghiệp, tăng gánh nặng nguồn thu bằng tiền đồng cho ngân sách và tăng lạm phát.
Do đó, trong điều kiện cho phép, Việt Nam nên duy trì tốc độ trượt giá tiền đồng ở mức vừa phải, từ 3% trở lại, nếu điều kiện thị trường và năng lực của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ (nếu giữ không nổi thì buộc phải “thả” ra theo thị trường vì cố giữ quá sức thì rồi cũng phải phá giá mạnh, cũng vi phạm nguyên tắc ổn định).
Vì sao chỉ nên phá giá tiền đồng trong phạm vi 3% mà không ít hơn hay nhiều hơn? Vì nếu mỗi năm trượt giá 3% thì trong 10 năm, đồng tiền của Việt Nam cũng đã mất giá gần 30%, là một mức không hề thấp và đã tiệm cận đến giới hạn bị một số mô hình chấm điểm rủi ro quốc gia (chẳng hạn mô hình của EIU) xếp vào hàng rủi ro tỷ giá cao. Những mô hình này có tầm quan trọng trong việc xác định lãi suất cho vay trên thị trường quốc tế đối với trái phiếu do Việt Nam phát hành cũng như dẫn dắt dòng tiền đầu tư quốc tế vào Việt Nam (nhiều quỹ đầu tư sẽ ngần ngại đầu tư vào một nước nếu điểm rủi ro quốc gia cao hơn một mức cụ thể nào đó).
Về dài hạn, muốn việc hạ giá tiền đồng (tuần tự, không gây sốc) mang lại lợi ích nhiều hơn tổn hại thì phải thực thi một chiến lược công nghiệp chỉn chu và nghiêm túc, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp Việt làm thương hiệu cho ổn. Lúc đó việc trượt tỷ giá mỗi năm so với đô la Mỹ mới thúc đẩy được xuất khẩu và tạo được tăng trưởng nhanh bù lại rủi ro do đồng tiền mất giá.
(*) Giảng viên Đại học Bristol Anh