Bị cáo (55 tuổi, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đứng trước tòa, ủ rũ. Sau lưng ông, người vợ đang úp mặt trên bàn, cố giấu những giọt nước mắt. Bốn đứa con đều đã trưởng thành, ngồi vây quanh bên cạnh mẹ, gương mặt buồn buồn.
|
Ảnh minh họa |
Họ đến tòa tham dự buổi xét xử người cha mình với tội danh “Dâm ô người dưới 16 tuổi”. Mà nạn nhân trong vụ án là bé gái (SN 2003) chậm phát triển tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức.
Gây án với bé gái chậm phát triển
Nhà bị cáo và nhà bị hại đều ở cùng một xóm tại huyện Phú Vang. Chiều hôm đó, bị cáo đạp xe đến nhà bác ruột của bị hại chơi, nhưng người này không có nhà. Lúc bị cáo trở ra thì thấy bé gái đang ngồi xem vô tuyến trong nhà mình (nhà bé gái gần nhà người bác ruột). Bị cáo vào nhà, thấy bố cô bé đang ngủ. Bị cáo nảy sinh tà ý, bèn rủ cháu bé đến trường tiểu học cạnh đó chơi.
Bị cáo ra lấy xe đạp đi trước. Cháu bé đi bộ theo sau. Khi đến trường tiểu học, thấy cổng trường đã khóa, người đàn ông 55 tuổi bảo cháu bé trèo hàng rào vào trong sân trước, mình trèo vào sau. Do ngày nghỉ nên các phòng học đều khóa cửa. Bị cáo bảo cháu bé đến phòng vệ sinh của giáo viên, kêu cháu bé cởi đồ, nằm xuống nền nhà. Trong khi bị cáo đang dùng tay sàm sỡ thì bị người chú nạn nhân phát hiện, đập cửa. Bị cáo và cháu bé mở cửa đi về nhà. Năm ngày sau, gia đình cháu bé mới có đơn trình báo.
Bị cáo bị tạm giam tại trại tạm giam công an tỉnh. Do phải làm các thủ tục trích xuất và quãng đường đến TAND huyện Phú Vang xa, nên khá muộn mới được dẫn giải đến phiên tòa. Vợ và các con của bị cáo đã có mặt tại hội trường xét xử từ lâu, chốc chốc lại đi ra đi vào, sốt ruột trông ngóng. Khi bị cáo được đưa đến, họ như khựng lại bởi hình ảnh đôi tay bị cáo nằm trong chiếc còng.
Tại phiên tòa, nghe chồng khai nhận mọi hành vi trước hội đồng xét xử, người vợ ngồi phía sau gục mặt xuống bàn để giấu những hàng nước mắt chua xót, đôi vai gầy guộc cứ rung lên bần bật. Những người con của bị cáo cũng ngồi cúi mặt lặng lẽ.
Nhà thủ phạm và nhà của cha mẹ, chú bác bị hại đều ở cùng một thôn. Thủ phạm và bác nạn nhân thường cùng nhau đi làm thợ hồ. Bị cáo phân bua rằng vì hôm đó có uống rượu nên không làm chủ được hành vi. Thẩm phán nghiêm khắc phân tích: “Không nên lấy rượu ra để bào chữa, bởi phạm tội trong trạng thái sử dụng bia rượu đã không được giảm nhẹ trách nhiệm, ngược lại còn là tình tiết tăng nặng”.
“Những ngày ngồi trong trại tạm giam, bị cáo có suy nghĩ gì không?”, tòa hỏi. Bị cáo bật khóc, bảo những ngày vừa qua, đã khóc rất nhiều vì hối hận. Ngồi trong trại giam, bị cáo mới thấy thương vợ, thương con vô cùng”. “Vậy bị cáo có thương bản thân mình không?”. “Bị cáo lặng lẽ lắc đầu. “Bị cáo đã gây tội, giờ phải trả giá, bị cáo chỉ thấy thương người thân, vì bị cáo mà liên lụy”. Giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống má người đàn ông luống tuổi.
Bồi thường 10 triệu, án 18 tháng tù
Bố mẹ bị hại đến tòa, mặt mũi cũng buồn không thua gì phía bên người thân bị cáo. Họ bảo vẫn biết con bệnh tật, bị chậm phát triển tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, vợ chồng đều phải ra ngoài làm thuê, làm mướn mưu sinh nên phải để con ở nhà một mình không ai giám sát, chăm sóc.
“Thế nhưng, hôm xảy ra vụ án, bố bị hại có mặt ở nhà, đang nằm ngủ trong nhà, vì sao lại lơ là đến độ để người khác thực hiện hành vi xấu với con mình?”, tòa hỏi. Người bố phân bua hôm đó đến giúp đám cho một gia đình trong thôn, mệt nên về ngủ say quá. Con bị người khác rủ đi khi nào cũng không hay.
Những người dự khán không khỏi xót xa khi bác ruột của bị hại trình bày: “Em trai tôi (tức chú ruột của bị hại - là người phát hiện hành vi của bị cáo tại trường tiểu học) kể lại sự việc với vợ tôi. Tôi định sáng mai sẽ hỏi bị cáo cho ra nhẽ, nhưng do bận đi làm suốt cả ngày đến tối muộn nên quên mất. Sau đó tôi có gọi điện hỏi bị cáo vì sao lại làm vậy nhưng ông ấy chối nên tôi cũng đành chịu”.
Tòa đặt câu hỏi vì sao sau khi sự việc xảy ra, không báo công an ngay mà phải năm ngày sau mới báo? Mẹ bị hại trả lời: “Vì nghĩ đến tình làng nghĩa xóm. Nếu họ đến nhà xin lỗi, biết ân hận để về sau không tái phạm nữa thì sẽ tha thứ. Nhưng bị cáo không hề có “động tĩnh” gì, nên gia đình đành phải làm đơn nhờ đến pháp luật”.
Trước đó, tại cơ quan chức năng, gia đình bị cáo thỏa thuận sẽ bồi thường 15 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi phiên tòa mở, nhà bị cáo vẫn chưa mang tiền sang. Tại tòa, chủ tọa hỏi người vợ có đồng ý thay chồng bồi thường không? Người vợ bảo đồng ý. Tòa hỏi có đồng ý bồi thường số tiền 15 triệu đã thỏa thuận trước đây không? Có mang tiền theo không? Bà bảo đồng ý, có mang theo đủ tiền. Trong lúc người mẹ đưa tay vào túi lục tiền thì mấy đứa con níu áo bà bảo: “Bồi thường 10 triệu thôi”. Bà lưỡng lự, sau đó xin tòa được bồi thường 10 triệu. Bà bảo mình chỉ mang theo có 5 triệu, nhưng mấy đứa con cũng có mang theo tiền, gom góp lại mới đủ 10 triệu.
Mẹ bị hại bảo dù sao gia đình bị cáo cũng cực khổ, nên bà đồng ý mức bồi thường 10 triệu. Tuy nhiên, chồng bà lại lắc đầu, bảo phải 15 triệu như thỏa thuận lúc trước. Lần này đến phiên gia đình bị hại chụm đầu lại bàn bạc. Cuối cùng, người chồng cho hay, ông “nghe theo vợ”. Vợ bị cáo sau đó “chồng tiền” ngay tại tòa.
Theo HĐXX, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự. Sau khi gây án, bị cáo ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, gia đình bị hại cũng xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo phạm vào tình tiết tăng nặng là “phạm tội với người bị hạn chế khả năng nhận thức”. Vì vậy, tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù.