Cha, mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thay cho con hay không là câu hỏi nhiều người đặt ra bởi con mình vì lý do nào đó mà con mình không muốn ly hôn hoặc không thể tự mình ly hôn được.
Cha mẹ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con hay không?
Bà Đỗ Thị Thanh Tr. (64 tuổi, ở thành phố H.P) hỏi: Con gái tôi trái lời cha mẹ lấy người chồng ngoại tỉnh, không môn đăng hộ đối. Từ đại dịch COVID-19 đến nay con rể tôi thất nghiệp ở nhà, sau đó không chịu tìm việc đi làm lại, mọi gánh nặng lo toan kinh tế để một mình con gái tôi gánh vác. Thú thật nhìn con vất vả, khổ sở, vợ chồng tôi rất xót con. Xin hỏi liệu trường hợp này vợ chồng tôi có thể làm đơn yêu cầu tòa giải quyết cho con gái ly hôn được không?
Liên quan đến vấn đề của bà Đỗ Thị Thanh Tr., Luật sư Vũ Thị Thu Hường- Công ty luật TNHH E&D (Đoàn Luật sư Hà Nội) giải đáp như sau:
Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cụ thể:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
…
|
Cha mẹ được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con trong trường hợp nào? Ảnh minh họa |
Như vậy, pháp luật quy định “cha, mẹ, người thân thích khác” cũng có quyền gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết ly hôn, nhưng chỉ trong trường hợp “Nếu con bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi và đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ gây ra, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của con thì cha mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn.”
"Theo thông tin bà cung cấp thì con gái bà hiện đang phải lo toan gánh vác kinh tế cho cả gia đình, không có thông tin về việc con bà bị bệnh dẫn đến không nhận thức và làm chủ được hành vi. Do đó, con gái bà cũng không thuộc trường hợp là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần.
Vì vậy trong trường hợp này, mặc dù thương con nhưng bà chỉ có thể khuyên nhủ, hỗ trợ con chứ không thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn của con gái được", Luật sư Vũ Thị Thu Hường khẳng định.
Điều kiện thực hiện quyền yêu cầu ly hôn cho con bị tâm thần
Nếu trong trường hợp con bị tâm thần, không còn khả năng nhận thức thì cha, mẹ có thể thay con yêu cầu Tòa án ly hôn khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Tình trạng của người bệnh đã đến mức không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Để chứng minh cần có các tài liệu, giấy tờ do cơ sở y tế cấp trong đó có kết luận, chẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh lý. Nếu người đó đã bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần cung cấp Quyết định cho Tòa án khi làm thủ tục ly hôn.
- Người bệnh tâm thần phải là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Như vậy, người yêu cầu Tòa án ly hôn cho người bị tâm thần phải chứng minh có hành vi bạo lực và hậu quả của hành vi bạo lực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị tâm thần.
- Chủ thể thực hiện quyền ly hôn cho người tâm thần là cha, mẹ, người thân thích của người bị mắc bệnh tâm thần.
-
|
Pháp luật quy định cụ thể về trường hơp cha mẹ có thể yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn thay con. Ảnh minh họa |
Lưu ý: Hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật chống bạo lực gia đình 2007 gồm:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
- Cưỡng ép quan hệ tình dục;
- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Về ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị tâm thần hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Do đó, xác định mức độ ảnh hưởng của hành vi bạo lực dựa theo chứng cứ của các bên mà Tòa án quyết định.