Chỉ việc mang những bầy ong của mình đi đến những cánh rừng đầy hoa, thế là những người làm cái nghề không giống ai này mỗi tháng cũng kiếm được bội tiền.
Hiện nay đang là mùa hoa vẹt, hàng trăm người nuôi ong di cư khắp cả nước đổ về khu rừng ngập mặn Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) để đưa ong đi lấy mật. Nói đến cây cây sú vẹt thì không đâu có thể sánh được ở khu vực rừng ngập mặn nơi đây.
|
Nghề đưa ong đi tìm mật mỗi tháng kiếm vài chục triệu. |
Nơi đây có cánh rừng ngập mặn sú vẹt rộng lớn và kéo dài lên tới 12.000 ha. Với diện tích sú vệt rộng lớn như vậy Kim Sơn-Ninh Bình chính là điểm đến khai thác mật của nhiều người.
Dọc các bờ đê Biển thuộc xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) là hàng nghìn đàn ong đặt ở hai bên đường, được những người làm nghề nuôi ong đưa đến từ khắp mọi nơi .
Nghề nuôi ong không giống bất cứ nghề nào khác, đòi hỏi người nuôi phải hiểu được tập tính của chúng. Phải biết được chúng thiếu những gì, chúng khỏe hay yếu..., ai mà làm được cái nghề này thì người đó chắc chắn là người rất yêu ong.
|
Những cầu ong đầy ắp mật hoa, báo hiệu đã đến lúc quay mật. |
Anh Nguyễn Hùng Ái, 42 tuổi, người có hơn 20 năm thâm niên trong nghề nuôi ong đi lấy mật. Anh cho biết: “Loại ong này được nhập khẩu từ Australia, lượng mật cho nhiều gấp 2 lần so với ong trong nước và hương vị mật thơm nên giá bán cũng cao hơn mật ong nuôi nội địa”.
Anh Ái quê ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hiện tại anh đang có 200 đàn ong. Hàng năm anh Ái thường đưa đàn ong của mình đi lấy mật khắp cả chiều dọc của đất nước, mùa hè a lấy mật ở miền Bắc, mùa đông anh lại đưa đàn ong của mình vào Nam lấy mật.
“Vào đầu tháng 6 là cây sú vẹt bắt đầu nở hoa, ở ven biển Kim Sơn cây sú vẹt có diện tích lớn với mật ong vẹt lại rất có giá. Vì vậy tôi quyết định thuê xe đưa tất cả ong của mình đến đây lấy mật”. Anh Ái giải thích nguyên nhân đến đây lấy mật.
|
Túp lều nhỏ mong manh giữa biển lớn là nơi sinh hoạt và chứa đồ của anh Ái. |
Dưới túp lều nhỏ, là nơi che mưa, che nắng và là nơi thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày , vừa uống nước a vừa vui vẻ nói thêm về nghề nuôi ong của mình. Anh phấn khởi cho biết: “Năm nay thời tiết tốt và hoa lại nhiều nên 3 ngày tôi quay một lần, mỗi lần cũng được gần 4 tạ mật. Mật ong sẽ được công ty HươngRừng đến thu mua tận nới với giá 80.000 đồng/ 1kg. Trừ mọi khoản chi phí mỗi tháng tôi cũng được vài chục triệu đồng”.
Để kiếm được số tiền đó người nuôi ong không ít lần nếm những trái đắng và trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều người ăn nên làm ra từ cái nghề này và cũng không ít người phá sản, nợ lần chồng chất.
Cách đó 300m là đàn ong của anh Trần Văn Thịnh (quê Hải Dương) chúng tôi đến đúng lúc anh đang quay mật. Ong bay vèo vèo khắp người anh Thịnh như muốn đòi lại mật nhưng chẳng hiểu sao chúng lại không đốt anh.
|
Nghề nuôi ong tốn rất nhiều thời gian và công sức. |
Khi hỏi anh làm thế nào lúc lấy mật ong để không đốt, anh cười chia sẻ: “Làm cái nghề gì thì lâu cũng quen thôi, ngày mới làm bị ong đốt suốt sau chẳng hiểu sao thấy chúng không đốt. Nói vui vậy thui, bây giờ tôi vẫn bị đốt suốt chỉ hạn chế nó đốt được thui, tại mình cướp mật của nó nên nó hung dữ lắm. Tôi thường đội mũ bảo vệ và dùng khói để hạn chế ong đốt, nhiều lúc gặp đàn ong dữ nó đốt ghê lắm phải bỏ chạy”.
“Làm cái nghề này vất vả lắm hết ra Bắc rồi lại vào Nam, cứ đâu có hoa là đến nên cứ đi quanh năm nhà có việc gì cũng không bỏ về được. Sinh hoạt hàng ngày như người rừng vậy, suốt ngày chỉ lúi húi trong rừng vói mấy đàn ong kể cũng cực lắm. Cai nghề này như đánh bạc vậy, nếu ong không bị bệnh và thời tiết tốt, hoa nhiều thì còn kiếm được, còn gặp xui xẻo thì trắng tay”. Anh thở dài kể về những khó khăn của nghề đưa ong đi tìm mật.
Anh cũng chia sẻ thêm: “Lúc đầu mới nuôi không có kinh nghiệm ong hay bị bệnh và bay đi mất, nhiều lúc nản muốn bỏ nghề. Nhưng do cái duyện lợ, cứ thôi thúc với tôi đến với nghề. Ngày trước mùa hè chỉ có mang ong đến mấy tỉnh xung quanh lấy mật, còn mùa đông thì cho ong về nhà. Mấy tháng mùa đông phải nuôi chúng mà mất cả mấy chục triệu tiền đường, làm tôi sợ tới giờ. Sau đó mùa đông tôi phải mang ong vào trong Nam không nuôi nó có mà sạt nghiệp”.
Những thuận lợi về tự nhiên khi nuôi ong ở rừng ngập mặm Kim Sơn, những người sống bằng nghề đưa ong đi lấy mật sẽ hứa hẹn một năm nuôi ong thành công.