Mặc dù rất chi tiết, rất nhiều thủ tục nhưng hệ thống quản lý doanh nghiệp Nhà nước có rất nhiều lỗ hổng khó mà kiểm soát hết được...
Đội vốn xảy ra ở một số dự án lớn đã và đang gây mất niềm tin trong công chúng. Liên quan tới vấn đề này, PV Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với TS toán học Mai Huy Tân về vấn đề đội vốn.
TS Mai Huy Tân thẳng thắn cho biết: Đội vốn, chỉ xảy ra do lỗi hệ thống quản lý doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công.
Không có đầu tư nước ngoài, không xảy ra ở doanh nghiệp tư nhân. Và đây không phải là lần đầu tiên đội vốn mới được phát hiện mà nó thường xảy ra trong những dự án đầu tư công.
|
TS toán học Mai Huy Tân trao đổi với PV Phapluatplus.vn. |
Mặc dù rất chi tiết, rất nhiều thủ tục, nhưng đội vốn vẫn xảy ra, vì rất nhiều lỗ hổng khó mà kiểm soát hết được.
Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn lên tới 36 lần là một minh chứng và đó thực sự là một con số khủng khiếp, khiến dân nghèo, nước yếu. Chương trình đường sắt trên cao hiện cũng đang thiếu vốn mà nhiều năm nay chưa thể đưa vào sử dụng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân khi triển khai, lập kế hoạch thực hiện bao giờ cũng thấp hơn thực tế chi tiêu.
Do đó có thể nói, dự án nạo vét sông Sào Khê; chương trình đường sắt trên cao có liên quan tới đội vốn, thiếu vốn là do toàn bộ hệ thống từ lúc lập dự toán đã "có vấn đề". Vì sao lại thiếu vốn; vì sao vốn được đội lên tới 36 lần? TS Mai Huy Tân đặt câu hỏi.
Rõ ràng việc đội vốn không chỉ làm mất niềm tin đối với công chúng mà còn kìm hãm sự phát triển của cả quốc gia... đây có phải là một trong những biểu hiện của hình thức tham nhũng?.
|
ĐBQH Nguyễn Văn Thân. |
Cũng liên quan tới dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thân Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Dự án này đội vốn từ 72 tỷ lên tới 2600 tỷ, nếu chỉ nêu như vậy sẽ gây mất niềm tin cho xã hội.
Vì dự án này được triển khai cách đây 17 năm, do đó dự án này trải qua các thời kỳ, việc tăng kinh phí để làm dự án này chắc chắn sẽ phình ra vì rất nhiều thứ phải làm thêm. Nếu chỉ nói, dự án trên đội vốn gấp 36 lần theo tôi là cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc đôi vốn chỉ có người đứng đầu thực hiện dự án này, người quản lý dự án nạo vét sông Sào Khê và tỉnh Ninh Bình phải là người biết rõ.
ĐBQH Nguyễn Văn Thân phân tích, việc đội vốn không chỉ xảy ra ỏ đầu tư công mà xảy ra ở doanh nghiệp tư nhân và xảy ra từ khi lập dự toán.
Vấn đề khác ở chỗ, đối với tư nhân là tiền của cá nhân họ, không ảnh hưởng đến ai. Đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân đóng góp, cần phải minh bạch.
Từ quan điểm của TS Mai Huy Tân và ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Thân, một lần nữa khẳng định việc đội vốn do lỗi từ khi lập dự toán.
Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần ở Ninh Bình cần phải thanh tra làm rõ. Hiện dự án vẫn đang chậm trễ sau 17 năm triển khai, gây lãng phí lớn. “72 tỷ điều chỉnh lên 2.600 tỷ đồng khiến người dân băn khoăn việc quản lý Nhà nước điều hành như thế nào”, một ĐBQH đặt vấn đề. |