UBTV Quốc hội vừa tiếp tục cho ý kiến về các dự án luật quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, hành chính và Luật Tạm giữ, tạm giam.
Tạm giữ, tạm giam chỉ hạn chế quyền đi lại của công dân
Vụ việc Đỗ Đăng Dư bị đánh chết trong phòng tạm giam đặt ra nhiều vấn đề về giám sát hoạt động giam, giữ mà Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam (TG, TG) cần giải quyết.Giải trình thêm về Dự thảo Luật này, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Dự thảo Luật quy định công dân chỉ bị hạn chế việc đi lại còn các quyền bầu cử, quyền được đảm bảo tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, thông tin khi bị TG, TG đều được thực hiện như các công dân bình thường.
|
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ về việc thăm gặp thân nhân của người bị TG, TG, đảm bảo tính minh bạch, không phụ thuộc vào cơ quan điều tra của việc này.
Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành TG, TG, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng giữ mô hình hiện nay, Nhà tạm giữ thuộc quản lý của Công an cấp huyện và Trại tạm giam thuộc quản lý của Công an cấp tỉnh là phù hợp.
Tuy nhiên, việc 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp với tính độc lập của hoạt động TG, TG độc lập với hoạt động điều tra.
Do đó, UBTVQH cho rằng cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý 4 Trại tạm giam này nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình.
Nêu rõ lý do không ghi âm, ghi hình
Đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành quy định về ghi âm, ghi hình (GA, GH) hoạt động hỏi cung vì “cần thiết để vừa đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung, vừa bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo”.
Vì vậy, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Dự thảo qui định bắt buộc GA, GH việc hỏi cung tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số điều tra.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể GA, GH được thì phải nêu rõ lý do trong Biên bản hỏi cung để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí trong việc GA, GH, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, theo ĐBQH, cần quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả GA, GH trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, để thống nhất thực hiện cần có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về việc GA, GH.
Không để ủy quyền “hình thức”Thảo luận về Dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi), UBTVQH nhận thấy thực tiễn giải quyết vụ án hành chính có nhiều trường hợp người bị kiện chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc đại diện tham gia tố tụng nên mang tính hình thức, gây nhiều trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vì người được ủy quyền không có đủ thẩm quyền quyết định về những vấn đề mới phát sinh tại tòa án.
Để khắc phục những hạn chế đó, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”.
Đồng thời, UBTVQH cũng đã chỉ đạo chỉnh lý qui định về nhận đơn trực tuyến theo hướng cho phép người dân gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp toà án áp dụng hình thức nhận đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của tòa án.
Kiểm ngư được tiến hành điều tra trên biển Theo Báo cáo giải trình và tiếp thu về qui định bổ sung thẩm quyền điều tra cho các cơ quan kiểm ngư, thuế và ủy ban chứng khoán trong Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, đa số ĐBQH đề nghị kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Xét thực tế, UBTVQH nhận thấy do tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển thì cần thiết giao cho cơ quan kiểm ngư tiến hành một số hoạt động điều tra. Do đó, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng: bổ sung cơ quan kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; không bổ sung cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện hoạt động này. |