Thời gian qua, Báo PLVN liên tục nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân đang sinh sống tại Thôn Hoàng 8, Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội phản ánh về dự án Khu đô thị (KĐT) Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường và Trường Đại học Nguyễn Trãi của Cty Ladeco.
Trong đơn phản ánh, 10 năm qua, các gia đình không được chủ đầu tư Dự án KĐT Cổ Nhuế cung cấp bất cứ thông tin chính thức bằng văn bản về các dự án. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng im lặng một cách khó hiểu.
Cho đến thời điểm này, chủ đầu tư 2 dự án trên cũng không thông tin gì đến người dân về kế hoạch triển khai phần dự án liên quan đến khu vực sinh sống của các hộ dân.
|
Đơn kiến nghị của người dân. |
Trong khi đó, điều kiện sinh sống của các hộ dân ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe, môi trường, an toàn, chất lượng sống.
Nhà cửa nhiều hộ lâu năm không được xây mới, cải tạo (do nằm trong đất quy hoạch) đã cũ kỹ, đổ nát, lún nứt đe dọa đến tính mạng. Cứ mỗi trận mưa khoảng 10 phút là ngõ trong khu dân cư đều bị ngập hết, trong nhà nước ngập mấp mé giường nằm khiến đồ đạc hư hỏng, thường xuyên ngập úng, môi trường ô nhiễm…
Khu vực không có hệ thống cấp nước sạch nên vẫn phải dùng nước giếng khoan. Kết quả xét nghiệm mẫu nước cho thấy hàm lượng axit và các chất gây hại quá cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Một người dân phản ánh: “Nước sạch không có, chúng tôi phải dùng nước giếng khoan để ăn. Thứ nước ngập úng cộng với nước thải từ công trình vệ sinh, nước sinh hoạt thải ra, rác thải… cứ mỗi trận mưa xuống lại ngấm xuống nguồn nước ăn. Biết là vô cùng bẩn vẫn phải dùng vì không có lựa chọn nào khác, dịch bệnh ốm đau xảy ra rất nhiều”.
Chưa hết, hàng loạt nhà cửa hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, những căn nhà cấp 4 lụp xụp không được sửa chữa, tôn tạo hay làm mới vì nằm trong vùng quy hoạch.
Thực trạng tại khu vực cho thấy đất ruộng bị Tập đoàn Nam Cường “thu hồi” nhưng để hoang phế gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Công trình Đại học Nguyễn Trãi đang xây thì bỏ dở nhiều năm nên cũng không đầu tư hệ thống thoát nước. Chỉ cần một cơn mưa toàn bộ khu dân cư ngập nước bẩn 0,5m, có nhiều chỗ ngập tới 1m.
Hình ảnh khu dân bị ngập nước bẩn do bị chặn mương thoát nước. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri cùng nhiều hội nghị khác, người dân cho rằng đều có ý kiến về vấn đề này nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời từ hai đơn vị trên. “Cùng lắm chỉ nhận được câu trả lời: “Đang xin thành phố điều chỉnh lại quy hoạch””, một người dân cho hay.
Từ đơn phản ánh trên, PV Báo PLVN đã đến Tổ dân phố Thôn Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội tìm hiểu và được biết: Khu vực nhà đất của các gia đình đang sinh sống bao gồm đất nông nghiệp và đất thổ cư nằm trong quy hoạch thuộc 2 dự án.
Thứ nhất là Dự án Trường Đại học Nguyễn Trãi (do Cty Kim Minh, nay là Cty LADECO làm chủ đầu tư) đã quy hoạch từ năm 2005.
Thứ hai là Dự án KĐT Cổ Nhuế của Tập Đoàn Nam Cường đã quy hoạch từ năm 2007 với giá đền bù 210.000 đồng/m2.
Thực tại hai công ty này đã xây biệt thự, chung cư để bán với giá bán bình quân từ 14.000.000 đồng/m2 đến 40.000.000 đồng/m2, còn lại đất thổ cư, đất ở của hơn 37 hộ gia đình thì bị “treo” lại để “chờ xin ý kiến”. 37 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu đang sống trong cảnh khó khăn.
Trao đổi với PV, cựu chiến binh Chu Hữu Thảo sinh sống tại địa phương cho biết: “Quận Bắc Từ Liêm được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ, vậy mà đến nay ở Tổ dân phố Thôn Hoàng 8, số nhà, sổ đỏ, số ngõ, ngách và quyền sử dụng đất không được làm vì chúng tôi là nạn nhân của dự án “treo”.
Chúng tôi đã gửi đơn thư đi khắp nơi nhưng vẫn chưa có kết quả. Chúng tôi kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND quận Bắc Từ Liêm, phường Cổ Nhuế 1 làm rõ nguyên nhân sự việc”.
Một ý kiến khác thì phản ánh tại 2 dự án này có rất nhiều vấn đề bất cập liên quan đến thiết kế, quy hoạch, cấp phép và việc né tránh trách nhiệm những phần việc khó khăn với dân của 2 chủ đầu tư.
Thông qua PLVN, người dân đề nghị cơ quan chức năng xem xét làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Tập đoàn Nam Cường và Cty LADECO để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.