Cuộc đối thoại với Bí thư tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ. Cuối buổi, sau khi Bí thư kết luận: "Nếu ai đồng ý với chính sách thì nhận tiền hỗ trợ, ai không nhận hỗ trợ thì cứ ra khơi đánh bắt cá và neo đậu thuyền bình thường như trước đây".
Sáng ngày 7/3, sau khi Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến kết luận lại vấn đề trong buổi đối thoại với ngư dân Sầm Sơn thì cả hội trường võ òa trong vui sướng.
Trong khi trước đó, cuộc đối thoại giữa Bí thư với nhân đân tỏ ra rất căng thẳng, có những lúc người dân đã phải kéo nhau rời khỏi hội trường để tiếp tục lên tỉnh.
|
Ông Chiến thừa nhận có lỗi khi để người dân phản đối mấy ngày qua. |
Chia sẻ với Phapluatplus.vn sau buổi đối thoại, ông Phan Công Bình (phường Trung Sơn) cho biết họ đã hài lòng với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy.
Ông bảo, nếu như Bí thư mà gặp sớm hơn thì người dân Sầm Sơn đâu đến nỗi phải mất hơn cả tuần “cơm đùm, cơm nắm” tụ tập trước cổng UBND tỉnh. Họ không đòi hỏi gì về tiền đền bù, hỗ trợ mà người dân chỉ yêu cầu Chủ tịch tỉnh để lại cho họ một phần bãi biển neo đậu tàu thuyền.
|
Người dân đồng tình với kết luận của Bí thư tỉnh ủy. |
Bà Lê Thị Phương, xã Quảng Cư cũng chia sẻ: "Sau khi nghe kết luận của ông Trịnh Văn Chiến, người dân chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Suốt hơn một tuần qua không lúc nào bà ăn ngon ngủ yên".
“Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn phải tham gia với đoàn để lên tỉnh phản đối, yêu cầu Chủ tịch tỉnh giữ lại bãi neo đậu thuyền cho nhân dân. Mấy ngày nay sức khỏe sa sút nhưng ngày nào bà cũng ở nhà làm “hậu phương” mang cơm, đồ ăn nước uống lên cho con cháu của mình đang tụ tập tại UBND tỉnh. Bây giờ Bí thư nói như thế chúng tôi yên tâm rồi”, bà Phương nói.
Liên quan tới việc trên, trong buổi đối thoại có 13 ý kiến, kiến nghị của nhân dân nhưng phần lớn các câu hỏi chỉ xoay quanh việc UBND tỉnh phải để lại cho dân một phần bãi biển.
|
Ý kiến của người dân là để lại một phần bờ biển để ngư dân làm nơi neo đậu thuyền. |
Sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, ông Trịnh Văn Chiến cho hay, sự việc người dân phản đối mấy ngày qua trên địa bàn là đáng tiếc. "Là người đứng đầu tỉnh, bản thân tôi thấy có khuyết điểm, có lỗi với bà con ngư dân Sầm Sơn, người dân thị xã Sầm Sơn" - ông Chiến nói.
Không chỉ thế, vị Bí thư còn nhấn mạnh: "Những ngày qua, nghe nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, kích động người dân chưa hiểu hết nên kéo lên tỉnh, thị xã. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hạ thấp ngư dân, con người Sầm Sơn. Biển Sầm Sơn là biển chung cho cả khách du lịch và nhân dân. Không phải như cách hiểu của bà con là giao cho nhà đầu tư quản lý. Nhà đầu tư chỉ quản lý các công trình họ đầu tư".
Bí thư tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến khẳng định: "Đến thời điểm này chưa có văn bản nào quy định thời gian cụ thể bà con ngư dân phải bàn giao bến thuyền. Chỉ có văn bản hướng dẫn hỗ trợ chính sách cho bà con ngư dân, nên bà con cứ yên tâm lao động sản xuất”.
Người dân cho biết, họ hoàn toàn đồng ý với kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong cuộc đối thoại và khẳng định ngay ngày mai sẽ tiếp tục đi biển trở lại như bình thường, không tập trung lên tỉnh để khiếu kiện nữa. “Nếu ai mà bắt chúng tôi phải di dời chỗ neo đậu thuyền chúng tôi sẽ viết thư gửi lên Bí thư tỉnh ủy” - một người dân cho biết.
Trước đó, từ ngày 26/2 đến nay nhiều công dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh phản đối việc chính quyền giao cho một doanh nghiệp khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất thị xã Sầm Sơn khiến người dân địa phương lo lắng “mất kế sinh nhai”.
Đặc biệt là nghề đánh bắt cá cũng gặp khó khăn vì theo quy hoạch lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân phải đi rất xa (10km) so với bến đỗ truyền thống. Người dân đề nghị UBND tỉnh bố trí vị trí bến neo đậu thuyền bè cho ngư dân, vị trí giáp ranh giữa xã Quảng Cư và phường Trung Sơn chiều dài khoảng 300 – 500m.