UBND tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp về Kết quả xử lý văn bản trái luật bị Bộ “tuýt còi” và biện pháp khắc phục cũng như xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có liên quan.
|
Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Vietnamnet) |
Điểm danh” 8 văn bản trái luật
Trước đó, cuối năm 2018, Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tại Nghệ An. Đoàn kiểm tra 260 văn bản do HĐND, UBND tỉnh Nghệ An ban hành từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 30/8/2018, phát hiện có 9 văn bản do UBND tỉnh ban hành có nội dung (bao gồm cả thẩm quyền) không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Trừ một văn bản trái luật đã được địa phương kịp thời sửa chữa trước khi Bộ “tuýt còi”, còn lại 8 văn bản sau:
Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn, quy định một số hành vi mà tổ chức cá nhân phải làm hoặc không làm (mang tính hạn chế cấm đoán) trong việc tổ chức cưới, việc tang và lễ hội không phù hợp với quy định pháp luật.
Như: Tổ chức lễ cưới tại một địa điểm, trong một ngày; chỉ mời cơm trong gia đình, thân tộc và bạn bè đồng nghiệp thân thiết cùng cơ quan trực tiếp công tác với số lượng hạn chế và chỉ được mời không quá 600 khách; khi cưới hoặc lễ cưới cho con phải báo cáo với chính quyền nơi cư trú và thủ trưởng cơ quan nơi công tác về cách thức tiến hành việc cưới; người qua đời trong vòng 12 giờ phải khâm liệm và nhập quan; thành lập ban tổ chức lễ tang, bán ấn tính, đặt không quá 3 hòm công đức.
|
Quyết định số 60/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 gây "tranh cãi" với nhiều điểm không phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung thay thế. |
Quy định về không được đốt vàng mã tại quyết định này cũng không phù hợp với Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL. Quy định không được dùng loa nén vượt quá công suất 25W tại Quyết định 60/2016 không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 5 Quyết định 60/2016 quy định Nghiêm cấm sử dụng vỉa hè, lòng đường vào việc cưới cũng chưa phù hợp với Nghị định 100/2013/NĐ-CP.
Quyết định không phù hợp này đã được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 02/2019 ngày 20/01/2019.
Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 về Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước chưa phù hợp đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 01/02/2019. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An quy định mở rộng đối tượng được ủy quyền thẩm quyền cho phép in, sao, chụp vật mang bí mật nhà nước thuộc độ Tối mật và Mật là chưa phù hợp với thông tư số 33/2017TT-BCA.
Theo quy định của Thông tư số 33/2015/TT-BCA thì chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho giám đốc (hoặc tương đương) thẩm tuyền cho phép in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật; và Chánh văn phòng, trưởng phòng hành chính hoặc trưởng một số cơ quan đơn vị có thẩm quyền in, sao, chụp tài liệu mang bí mật nhà nước độ Mật (không cho phép ủy quyền cho cấp phó).
Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn Nghệ An cũng chưa phù hợp với Nghị định số 02/2017NĐ-CP. Quyết định quy định Hội đồng kiểm tra cấp xã (không phân biệt đối với dịch bệnh hay thiên tai) đều có thành phần là Ban chỉ huy PCTT-TKCN. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 6 của Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì chỉ Hội đồng kiểm tra đối với thiên tai mới có thành phần tham gia, phối hợp với Ban Chỉ huy pPCTT-TKCN (còn đối với dịch bệnh thì không có thành phần này trong Hội đồng).
Vì vậy, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND quy định Hội đồng kiểm tra cấp xã (không phân biệt dịch bệnh hay thiên tai) đều có thành phần là ban chỉ huy PCTT-TKCN là chưa phù hợp. Quyết định này đã được thay thế bằng Quyết định 03/2018 ngày 10/01/2018.
|
Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 đã được thay thế do không phù hợp |
Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 về việc ban hành quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm chưa hợp lý. Như việc quy định phải có bảng niêm yết giá bán thuốc BVTV và bán đúng giá niêm yết có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức không cần phải có bảng giá. Quyết định này cũng chưa phù hợp với Luật giá và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP. Tại khoản 4 Điều 3 Quy định này nêu Trong trường hợp cửa hàng buôn bán nằm tỏng vùng có công bố dịch chỉ được bán các loại thuốc đặc hiệu do Sở NN&PTNT quy định là không có cơ sở pháp lý, hạn chế quyền của tổ chức cá nhân kinh doanh thuốc BVTV.
Quyết định số 75/2010/QĐ-UBND ngày 06/10/2010 của UBND tỉnh Nghệ An quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Nghệ An. Khoản 2 Điều 1 Quyết định này quy định đối tượng áp dụng có Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi đối với cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó quy định cụ thể các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi của các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra và xử lý sau kiểm tra các dự án đầu tư trực tiếp có sử dụng đất triển khai chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có các nội dung quy định thu hồi dự án là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, không có quy định ngày có hiệu lực thi hành là không phù hợp. Hiện Sở Tư pháp đang hướng dẫn Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, xây dựng văn bản trình UBND tỉnh ban hành quyết định bãi bỏ, thay thế bổ sung.
Hiện còn hai Quyết định 31/2017 và 32/2017 về quy định đối tượng, mức thu, tổ chức thu và quản lý hạ tầng tại Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An) đang xin có thêm thời gian để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, việc ban hành các văn bản QPPL trái luật, chưa phù hợp như trên chưa gây ra thiệt hại về vật chất hay tiêu cực; chủ yếu xuất phát từ đặc thù của tỉnh, với mong muốn thực hiện việc quản lý nhà nước tốt hơn, không vì mục đích vụ lợi hay cá nhân tổ chức cụ thể nào. Việc xây dựng văn bản QPPL về cơ bản được thực hiện đúng quy trình tại Luật ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn có liên quan; xác định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức là rất khó. Do đó, việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức chủ yếu bằng hình thức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản.
Mặc dù, tại khoản 8, Điều 7 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản QPPL trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trach nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản QPPL được phân công thực hiện.
Tuy nhiên, việc xác định lỗi do hạn chế về năng lực hay nhận thức hay là cố tình vi phạm để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, ban hành băn bản cũng rất khó thực hiện. Vì vậy, hiện nay việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức chủ yếu là bằng hình thức họp kiểm điểm, rút kinh nhiệm trong công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản.