Các đại biểu tọa đàm |
21h40: Buổi lễ kết thúc thành công tốt đẹp.
Sau phát biểu của Bộ trưởng Hà Hùng Cường là lễ trao giải cuộc thi "Tìm hiểu hiến pháp nước CHXHCN VIệt Nam cho những cá nhân tiêu biểu.
21h22: Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu:
Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan vui mừng và vinh dự đón Thủ tướng cùng các đoàn đại biểu tới dự lễ hưởng ứng ngày pháp luật và trao giải cuộc thi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trao giải đặc biệt cho Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương (Giảng viên HVQP)
Bộ trưởng cho rằng đây là thông điệp gửi đến bộ, ban ngành, quyết tâm của Chính phủ và công chức viên chức về việc thượng tôn Hiến pháp, tuân thủ Pháp luật.
Qua phát biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tổng hợp kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, chỉ đạo định hướng tổ chức ngày Pháp luật 2015 và những năm tiếp theo. Lưu ý thúc đẩy dân chủ và hoàn thiện nhà nước pháp quyền theo định hướng của Đảng và Hiến pháp 2013.
Bộ trưởng cũng xin hứa với Chính phủ, nhân dân phát huy kết quả đạt được để tổ chức Ngày Pháp luật hiệu quả hơn. Luôn tận tâm, xây dựng đội ngũ tư pháp, quyết tâm vượt mọi khó khăn, xây dựng Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
21h04: Thủ tướng phát biểu chỉ đạo:
Thủ tướng ôn lại kỷ niệm công bố ngày Pháp luật năm 2013. Trong 2 năm qua, Ngày Pháp luật được các bộ ngành đoàn thể cấp ủy chính quyền tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm thi hành hiến pháp 2013 và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân đến nay thu được kết quả bước đầu.Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng Nhà nước Pháp quyền.
Sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác đã ký sắc lệnh 20/09/1945 thành lập ban dự thảo Hiến pháp. Sau đó 1 tháng, Quốc hội thông qua hiến pháp 1946, Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam. Người nhấn mạnh Chính phủ cần làm đúng 3 chính sách: Dân sinh; dân quyền; dân tộc.
Tư tưởng lập hiến của Bác, cương lĩnh của Đảng, Hiến Pháp 2013 mở ra không gian hiến pháp mới, xây dựng nhà nước pháp quyền với tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm bảo vệ quyền dân chủ, tự do, quyền con người, quyền công dân. Người dân tuân thủ và được quyền làm những gì nhà nước không cấm và dùng pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng được sự đồng thuận trong xã hội. Quyền con người, công dân có sự chuyển biến cơ bản toàn diện, hài hòa, đảm bảo hiến pháp 2013.
Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự xã hội, nâng cao hiệu quả hội nhập. Chuyển biến tích cực, người dân có ý thức pháp luật cao hơn.
Từ những kết quả bước đầu có thể khẳng định ngày pháp luật đã từng bước quan trọng đóng góp vào thành công của Đại hội Đảng các cấp và cuộc sống người dân; góp phần xây dựng hình ảnh nhà nước pháp quyền, thực thi quyền làm chủ, tự do của người dân. Coi con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của sự phát triển.
Thủ tướng cám ơn Bộ Tư pháp và các cơ quan ban hành, ngoài ra, còn đề nghị: Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tập trung vào các định hướng lớn, tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cụ thể hóa nội dung tinh thần Hiến pháp, tất cả quyền lực về nhân dân, đảm bảo quyền dân chủ của người dân.
Tiến sĩ - Nhà báo Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam (bìa phải) và Tiến sĩ - Luật sư Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC đang dự Lễ Hưởng ứng Ngày Pháp luật 2015 tại Hội trường Bộ Quốc Phòng (số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội). |
20h40: Các Đại biểu Trung tướng Trần Văn Độ (Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao); Luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam); Bà Hồ Xuân Hương (Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội); Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương (Giảng viên HVCT Quốc phòng) tham gia giao lưu.
Đại úy Đắc Hương kể về quá trình tổ chức các buổi khoa học về Hiến pháp để hoàn thành bài thi với 3 tháng miệt mài với tinh thần trách nhiệm và niềm tin. Thành quả là Đại úy Hương đã đạt giải Đặc biệt cuộc thi.
Trung tướng Trần Văn Độ trình bày quan điểm về vụ người dân hôi bia từng xôn xao dư luận. Ông Độ khẳng định đó là hành vi vi phạm pháp luật. Từ góc độ đạo đức, Tướng Độ cũng cho rằng không nên "hôi của" mà còn phải giúp đỡ người tài xế.
Nói về tình trạng bạo lực gia đình, Luật sư phan Trung hoài cho rằng đây là thực trạng đáng báo động. Sự yên ấm các gia đình là quan trọng và được Luật HNGĐ bảo vệ. Các cá nhân có quyền yêu cầu các cơ quan thẩm quyền can thiệp khi bị xâm hại.
Các đại biểu chia sẻ |
Lý giải về hiện tượng trên, Luật sư Hoài cho rằng hiện tượng bạo hành gia đình xuất phát từ xây dựng ý thức về pháp luật. Mỗi cá nhân tích lũy hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ. Đó là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến bạo hành.
Tướng Độ cho rằng nguyên nhân chính còn nằm ở tư tưởng phong kiến lạc hậu trong gia đình Việt Nam.
Bà Hồ Xuân Hương thì bổ sung thêm là nhiều nơi chưa lên án nghiêm khắc mà còn thờ ơ về bạo hành gia đình. Ngoài ra đó là thái độ cam chịu của người phụ nữ cũng góp phần tăng bạo lực gia đình.
Tướng Độ phân tích về sự việc 1 tỷ yên trong thùng loa: Đây là trường hợp biết tuân thủ pháp luật mang đến lợi ích cho mình và người khác.
Luật sư Hoài cho biết, sự việc thể hiện sự ấm áp khi 1 người phụ nữ nghèo đã không tham lam mà chọn cách nộp công an.
20h22: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu: Cám ơn lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội cùng đồng bào cả nước đến dự và theo dõi buổi lễ. Ông Lê Thành Long cũng cho biết tầm quan trọng của Ngày Pháp luật, tôn vinh vị trí vai trò của Hiến pháp và Pháp luật. Đến nay có thể khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa... đã và đang được thực hiện hóa.
Ý nghĩa Ngày pháp luật đang thấm sâu vào đời sống xã hội, nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, phát huy dân chủ, xây dựng nền hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi lễ. |
Ngày Pháp luật ngày càng có sức lan tòa, tôn vinh các giá trị vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp.
Tuy nhiên, vẫn có 1 số hạn chế như còn chậm, thiếu sáng tạo, còn bất cập trong công cuộc xây dựng Nhà nước Pháp quyền...
Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN VIệt Nam" thành công tốt đẹp, mang lại hiệu ứng pháp luật cao trong đời sống quần chúng. Nhiều bài thi đạt chất lượng cao với nhiều thể loại, từ thơ, truyện, mô hình.... Ban giám khảo làm việc nghiêm túc, công tâm, khách quan. Nhận thức về Hiến pháp, pháp luật của nhân dân thể hiện qua cuộc thi rất đáng ghi nhận. Cuộc thi trở thành cuộc sinh hoạt pháp lý phổ biến, phổ biến rộng rãi nội dung Hiến pháp và Pháp luật và nuôi dưỡng ý thức thượng tôn Hiến pháp, tuân thủ Pháp luật. Động viên, khích lệ việc tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật trong đời sống nhân dân.
20h05: Ghi nhận của PV PhapluatPlus tại Hội trường Bộ Quốc phòng, nhiều đại biểu là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước gồm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường; Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai; Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Nguyễn Doãn Khánh... cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Đại diện các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
(nhấn F5 để tiếp tục cập nhật)
19h30
Tự hào khi được sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật
Trao đổi bên lề buổi lễ, chị Nguyễn Thị Phương Thúy, cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu (đạt giải ba) cho hay: Tôi rất vinh dự và tự hào khi là một trong nhưng người đạt giải cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là một sự kiện hết sức quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời tôi nói riêng và đối với tất cả người dân Việt Nam nói chung.
Qua cuộc thi giúp tôi có được những nền tảng vững chắc hơn về Hiến pháp cũng như pháp luật, cùng với đó mở rộng kiến thức của mình để vận hành vào cuộc sống. Tôi càng tự hào hơn khi được sống trong xã hội công bằng dân chủ khi mọi người dân Việt Nam đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
19h20
19h20, khá đông đại biểu đã có mặt tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương. |
Ghi nhanh bên lề Lễ trao giải
18h45. Tại Hà Nội
Tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội vào lúc 19h30 sẽ diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Mọi công tác chuẩn bị đang được Ban tổ chức gấp rút hoàn thiện, để buổi lễ diễn ra thành công tốt đẹp.
Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội đã sẵn sàng cho buổi tường thuật trực tiếp. Ảnh Hữu Phương |
Dòng người bắt đầu đổ về Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội Khu trưng bày các bài đạt giải cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". - Ảnh Hữu Phương |
*Tại Quảng Ninh
17h:00
Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời, tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Cùng với đó, Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình để tham gia tích cực vào sinh hoạt đời sống chính trị và xã hội.
Đây cũng là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Do vậy, Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị pháp luật có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật cũng là một trong những chế định quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới tổ chức thực hiện.
Cộng tác viên Đặng Dung (ghi)
*Tại Tuyên Quang
16h:40
Bà Bàn Thị Pham, hội viên Hội phụ nữ xã Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang cho biết: "Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình luôn được hội phụ nữ xã quan tâm".
Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Hội phụ nữ xã Phúc Yên, Lâm Bình, Tuyên Quang. |
Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời nó còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động v.v…Cùng với đó, Hội phụ nữ đã đến từng nhà, giải thích với từng thành viên để họ hiểu và hưởng ứng, có thái độ tích cực trong cuộc sống gia đình.
Vì bạo hành gia đình chính là mầm mống cho sự mất an ninh xã hội, nảy sinh nhiều tội phạm hình sự và trên hết làm lỏng lẻo đi hạnh phúc của mỗi gia đình, từng nhân tố của xã hội. Sự can thiệp của pháp luật chính là phương thuốc điều trị hữu hiệu những hậu quả trên.
*Tại Hà Nội
16h:10
Xã hội công bằng và không còn án oan sai
Bạn Dương Thị Thanh, nhân viên văn phòng chia sẻ: “Tôi mong muốn Pháp luật Việt Nam sẽ đi sâu hơn và thường xuyên cập nhật tình hình của xã hội sao cho phù hợp để không còn án oan, hay phạt quá nặng quá nhẹ. Tôi hy vọng pháp luật tạo ra sự công bằng.”
Sự công bằng là điều ai cũng muốn trong xã hội, chính vì vậy cơ quan các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân. Giúp nhân dân hiểu và thực thi pháp luật cũng như đưa ý kiến sửa đổi những điều luật chưa phù hợp với thực tiễn.
15h:40
Bà Nguyễn Thị Hoa (Cán bộ hưu trí) cho biết: Có một Ngày Pháp luật để tôn vinh và thượng tôn pháp luật là điều vô cùng ý nghĩa để mọi người có thể nắm được pháp luật để phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Khi có niềm tin vào pháp luật thì việc quản lý xã hội và đất nước sẽ dễ dàng.
15h:00
Chia sẻ với Phapluatplus anh Nguyễn Quý Đông, Bác sỹ chuyên Khoa Mắt, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội cho biết: Tôi được biết ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên theo cá nhân tôi để ngày này thực sự là ngày hội của toàn dân nhất thiết phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cổ động trực quan qua hệ thống áp phích, băng rôn, cờ phướn trên các tuyến đường phố chính, các khu trung tâm...
Tổ chức các chương trình giao lưu tìm hiểu pháp luật lồng ghép với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trợ giúp pháp lý, tọa đàm về thực hiện pháp luật.
"Là một bác sỹ làm việc trong một môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người, tôi mong muốn mọi người, cụ thể là những người đến khám chữa bệnh có thể nắm vững Hiến pháp, pháp luật, nhất là những điều luật của ngành y tế", bác sĩ Nguyễn Quý Đông chia sẻ thêm.
Hội Luật gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2015
Sáng 9/11, tại văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia đã chủ trì buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015.
“Việc tổ chức ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm xây dựng ý thức bảo vệ pháp luật của người dân, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, thể hiện lòng yêu nước, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc… để mọi người tự ý thức rằng mình vì cộng đồng, vì dân tộc. Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng nhằm nâng cao việc sống và làm việc theo pháp luật, giúp người dân nâng cao được chất lượng sống” – Chủ tịch Hội Luật gia cho biết.
Trong tuần cao điểm, bắt đầu ngày 4/11, Hà Nội đã treo gần 400 băng rôn với nội dung tuyên truyền về NPL Việt Nam, khẩu hiệu thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Tổ chức hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú với báo cáo viên là Công an TP Hà Nội cho cán bộ pháp chế, cán bộ tư pháp xã, phường…
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 7666 chỉ đạo các sở, ngành về việc phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Lễ hưởng ứng NPL năm 2015 và tổng kết, trao giải Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp.
* Tại Thanh Hóa
14h 30 Chia sẻ với Phapluatplus ông Lê Quang Hào (56 tuổi, Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 11 phường Ngọc Trạo, Bỉm Sơn, Thanh Hóa): Trước hết về mặt bằng chung, là phải nâng cao Giáo dục Pháp luật cho tất cả các đối tượng. Đặc biệt là công tác giáo dục pháp luật ở các nhà trường, ngay từ các cấp tiểu học trở đi. Vì đây là công tác có thể hạn chế được vi phạm pháp luật đối với lứa tuổi học sinh, tuổi vị thành niên khi các cháu đi ra ngoài xã hội, tiến tới một xã hội bền vững.
Còn đối với các ngành, nhất là những ngành chấp pháp trực tiếp duy trì và thực hiện pháp luật thì phải làm đúng chức năng nhiệm vụ của ngành. Tôi ví dụ, Công an giao thông có nhiệm vụ chính điều hành hướng dẫn là giúp người dân hiểu và thực hiện tốt luật ATGT. Nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định, chứ không phải là truy đuổi phạt tiền người vi phạm như nhiều địa phương đang diễn ra hiện nay.
Ông Lê Quang Hào mong muốn mọi người dân trước hết phải hiểu và tuân thủ pháp luật. |
Cá nhân tôi, mong muốn mọi người trước hết phải hiểu và làm đúng pháp luật; phát huy tính tự giác, tự học để nắm được pháp luật, trên cơ sở nắm vững được thì sẽ thực hiện tốt. Đặc biệt các cơ quan trực tiếp thực hiện pháp luật phải thật sự trong sạch, công tâm như ngành công an, tòa án, viên kiểm sát. Điều đó sẽ phục vụ công tác chống tham nhũng rất tốt, tránh các án oan sai và ngày càng làm tăng niềm tin của người dân đối với hệ thống pháp luật.
* Tại Hà Tĩnh
Sáng 9/11, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
* Tại Cà Mau:
Ông Nguyễn Thanh Reo - Giám đốc Sở Tư pháp - cho biết, năm nay Ngày Pháp luật được địa phương tổ chức triển khai một cách đồng bộ và toàn diện với nhiều hoạt động thiết thực như: chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực quan; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sự kiện pháp luật lan tỏa rộng khắp các sở, ban, ngành và người dân từ thành phố đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.
Đặc biệt, năm nay chủ đề Ngày Pháp luật gắn với tổng kết Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 - cuộc thi có tầm cỡ quốc gia và là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo điều kiện cho mọi người dù sống xa Tổ quốc có điều kiện tham gia tìm hiểu và thi hành Hiến pháp.
Qua đó đề cao tính thượng tôn pháp luật, phát huy tính tự giác nghiên cứu học tập và thi hành Hiến pháp, đặc biệt là trong thi hành công vụ, tiến tới xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bằng nhiều hoạt động thiết thực. |
* Tại Sóc Trăng
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với tổng kết Cuộc thi viết Tìm hiểu Hiến pháp; tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành.
Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công nhân lao động.
Chỉ đạo các điểm trường trên địa bàn tổ chức tư vấn pháp luật cho học sinh cấp 2, 3; tăng cường công tác tuyên truyền tại các xã, phường điểm theo Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” năm 2015...
*Tại Hậu Giang
Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang cho biết: Bên cạnh nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật từ các sở, ngành, Sở cũng đã tổ chức hội thi tìm hiểu Ngày Pháp luật với các nội dung gần gũi với người dân như: tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo hiểm, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ...
Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (Hậu Giang) vừa tổ chức míttinh hưởng ứng Ngày Pháp luật, thu hút trên 420 đại biểu đại diện các sở ngành, đơn vị, đoàn thể tham gia. Trường còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những quy định pháp luật đến công chức, viên chức, người lao động, học viên tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
* Tại Hà Nam
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phổ biến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Quang Cẩm, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Thị Liên cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố…
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp cũng như Ngày Pháp luật trong đời sống, Phó Chủ tịch Bùi Quang Cẩm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai theo đúng tinh thần của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, các luật, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm tốt công tác PBGDPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mỗi cán bộ công chức phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, chủ động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
*Tại Tuyên Quang
Bạn Vũ Mạnh Quang ( Sơn Dương – Tuyên Quang) cho biết: “Qua 2 năm thực hiện ngày Pháp Luật, đây đã trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.
* Tại Nghệ An
Ông Đậu Xuân Tiêu, 86 tuổi, cựu giáo chức ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trăn trở: Trong cuộc sống hiện tại, người phụ nữ trong mỗi gia đình và trong xã hội vẫn còn bị phân biệt, đối xử. Cuộc sống hôn nhân của nhiều chị em, phụ nữ phải chịu cảnh địa ngục vì những người chồng nát rượu, cờ bạc, nghiện ngập nhưng họ vẫn phải cam chịu. Do vậy, Luật Hôn nhân & Gia đình cần phải bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, nhất là trong đời sống hôn nhân thường bị người chồng bạo hành”
Đồng thời, ông Tiêu cũng mong muốn: “Nguyện vọng của tôi cũng như mọi người đó là được hưởng quyền bình đẳng và pháp luật phải bảo vệ được quyền công dân chính đáng đó. Tôi mong muốn những người thực thi pháp luật cần phải minh bạch, phải công bằng. Pháp luật phải làm thế nào để giác ngộ được quần chúng nhân dân, phải đi vào cuộc sống của mỗi người dân một cách gần gũi giúp người dân nắm vững được pháp luật để bảo vệ gia đình và xã hội”.