Đều là những giống gà quý hiếm, đẹp về ngoại hình và chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon, các sản vật trứ danh đất Bắc như gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Hồ (Bắc Ninh), gà 9 cựa (Phú Thọ), gà Tò (Thái Bình) hay gà Mía (Sơn Tây)… đều tỏ ra xứng đáng với mỹ từ "tiến vua".
Từ gà “tiến vua” trong sử sách
Trong các giống gà đeo “mác” “tiến vua”, hiển nhiên, đầu tiên phải kể đến loại gà 9 cựa, vốn đã quá nổi tiếng trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, được dùng để dâng lên Vua Hùng như một phần của quà thách cưới. Ở thời điểm hiện tại, gà 9 cựa vẫn được người dân ở xã Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) và xã Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) dày công giữ gìn nguồn gen và nhân giống.
Về ngoại hình, gà 9 cựa dáng nhỏ, con trưởng thành thường nặng khoảng 1,5 kg, có mào màu đỏ tươi, đôi mắt sáng và nhanh nhẹn. Đặc điểm nhận dạng cơ bản nằm ở đôi chân với mỗi bên có nhiều cựa với độ dài ngắn khác nhau và mọc theo một hàng thẳng theo chân. Cựa trên cùng thường chỉ là bộ phận đã hóa sừng, mọc cong vút tựa như lưỡi liềm. Lông đuôi màu đen nhánh mọc cong và rất mảnh tạo cho con gà thế mã rất đẹp.
|
Theo truyền thuyết, gà 9 cựa là lễ vật được Sơn Tinh dâng lên Vua Hùng. |
Thông thường, gà có khoảng 7 – 8 cựa, con gà có đầy đủ cả 9 cựa thường được xếp vào loại “hàng cực độc” và có thể được chủ nhân bán với giá hàng chục triệu đồng. Đặc biệt vào các dịp giỗ quốc tổ Hùng Vương (Mùng 10.3 âm lịch hàng năm), gà 9 cựa sẽ là thứ được dâng lên ban thờ các Vua Hùng như một sản vật đặc biệt của miền đất tổ.
Với biệt hiệu “Gà mặc quần” – gà Tò hiện đang trở thành một giống gà hiếm và được nuôi rất ít tại xã An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đặc điểm nổi bật của giống gà này nằm ở việc gà mọc cả lông từ đùi xuống tận bàn chân nên dân gian mới ví von là giống “Gà mặc quần”.
Gà Tò khi trưởng thành có thể đạt 4 – 5kg/con trống, 3 – 4kg/con mái, vóc dáng to lớn, giá bán tới hàng triệu đồng mỗi con. Một con gà Tò được đánh giá là đẹp mã khi hội tụ các đặc điểm như “Đuôi công, mình cốc, đầu trám, mào cờ”. Bộ lông màu vàng cánh gián, mào đỏ, dáng đi oai vệ và thịt gà săn chắc, vị thơm ngon.
|
Nghề nuôi gà Tò quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị mai một. |
Tại làng Tò xã An Mỹ, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về xuất xứ của giống gà này. Theo đó, vào thời nhà Trần (1225 – 1400) có vị Đức Tiến Công là con rể của vua, trong một lần vào cung đã đem theo một con gà để dâng lên vua cha. Đức vua thấy giống gà quý, thân hình vạm vỡ chắc nịch, thịt lại thơm ngon nên tỏ vẻ rất hài lòng.
Sau đó, nhà vua ban thưởng cho dân làng Tò mười nghìn đấu gạo và đặt tên giống gà quý theo tên làng Tò. Theo lệ, cứ tới ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, người dân lại chọn một chú gà Tò có dáng khỏe đẹp nhất làng để tổ chức lễ cúng đức Thành Hoàng làng.
Gà tế thần phải là giống gà thuần chủng và được chăm sóc ngay từ khi mới nở, vỗ béo bằng thứ gạo lứt, cưng nựng như báu vật của làng. Theo các cụ cao niên, gà Tò để nuôi “chơi”, nuôi “cúng thánh” chứ không được bán bao giờ. Khi giống gà Tò mai một, tục lệ cúng gà vào dịp lễ Thành Hoàng làng không còn được duy trì nữa, “đặc sản” của làng cũng chỉ còn trong câu ca dao “Gà Tò, lợn Tó, vó Vân Đồn”....
Đến những giống gà đặc sản
Trong những giống gà quý hiếm tại Việt Nam, gà Đông Tảo – gà chân to vốn được coi là một sản vật đặc biệt của vùng đất xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên). Tại đây, gần như hộ dân nào cũng nuôi giống gà quý này nhưng để có được một con gà đẹp, đủ tiêu chuẩn thì không phải chuyện đơn giản.
Là một người nuôi gà Đông Tảo với trang trại rộng hàng nghìn mét vuông cùng đàn gà hàng nghìn con, anh Giang Lê Hân cho biết: Để nuôi được một con gà Đông Tảo đẹp, người nông dân phải bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết.
Ngay từ khâu chọn giống cũng rất kỳ công, phải chọn được con gà bố mẹ thuần chủng, khỏe mạnh và kỹ thuật ấp trứng hiện đại mới cho ra đời những con gà con chất lượng cao. Điều kiện về chuồng trại, thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh cũng là những điều được người dân đặc biệt chú trọng khi nuôi gà Đông Tảo.
|
Giống gà Đông Tảo nổi tiếng với đặc điểm nhận dạng là đôi chân rất lớn. |
Con gà Đông Tảo đẹp phải hội tụ đủ các yếu tố như: Lông đen mã lĩnh (màu đen tuyền bóng như quần lĩnh của phụ nữ mặc thời xưa), cánh trai tựa như hai cái lưỡi con trai úp vào hai bên sườn, chân to đỏ có vảy đều xếp tựa vảy cá chép và không bị dị tật gì. Con gà trưởng thành có thể nặng tới 6 – 7kg/con trống, 4 – 5kg/con mái. Gà nuôi được khoảng 7 – 12 tháng thì mới gọi là gà trưởng thành.
Theo chia sẻ của nhiều người dân nơi đây, gà Đông Tảo cũng được chia làm hai loại gồm gà thương phẩm và gà biếu. Nếu là gà thương phẩm giá chỉ từ 250.000 – 350.000 đồng/kg, gà biếu sẽ có giá dao động từ vài triệu cho tới cả chục triệu đồng mỗi con tùy dáng gà.
Một trong các sản vật vang danh của xứ Kinh Bắc từng được tiến cống lên vua chúa thời phong kiến chính là giống gà Hồ. Gà được nuôi nhiều tại làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Để nuôi được một con gà Hồ trưởng thành có thể xuất bán được, người dân phải mất ít nhất hơn 1 năm cho đến 2 năm ròng. Giống gà này từng được đưa vào sách đỏ cần bảo tồn của Việt Nam vì đặc điểm sinh trưởng chậm và số lượng ít.
Gà Hồ trưởng thành thường có cân nặng từ 4 – 5 kg/con. Giá khoảng 350.000 – 500.000 đồng/kg tùy loại. Gà Hồ không quá kén chọn thức ăn vì được người dân nuôi chủ yếu bằng thóc, ngô, cám gạo, bèo và rau xanh mà không ăn cám công nghiệp nên vị thịt ăn rất thơm và chắc thịt. Chính đặc điểm này khiến cho khách hàng ngày càng ưa chuộng giống gà này.
Ngoài ra, do được xuất xứ từ vùng đất “hai vua” thuộc làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), gà Mía cũng được người dân địa phương coi như của hiếm vì trước đây được dùng làm báu vật dâng vua. Tuy nhiên so với các loại gà kể trên, gà Mía có phần lép vế hơn bởi giá thành chỉ trên mức bình dân một chút, từ 130.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại.
Chuyên gia phân tích về gà “tiến vua”
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Lê Quý Đức – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Việt Nam cho biết: “Hiện tôi chưa thấy tài liệu chính thống nào đề cập đến loại gà nào là gà “tiến vua”, có chăng chỉ là các truyền thuyết mang tính truyền khẩu trong dân gian. Bởi trong xã hội xưa, những thứ vua dùng được gọi là “ngự dụng” và mang tính chất rất cao quý. Từ các loại cây, con hay bất cứ thứ gì dâng lên vua đều khiến cho chủ nhân của nó cảm thấy một niềm vinh dự rất lớn”.
|
PGS.TS Nguyễn Quý Đức phân thích về các giống gà "tiến vua". |
TS Đức cũng nói rằng, thời phong kiến, người dân có của ngon vật lạ gì được cúng tiến tới vua chúa đều được coi là những báu vật rất quý giá của riêng địa phương mình. Ai làm được ra sản vật gì dâng lên vua thì rất vinh dự và tạo được cái thương hiệu riêng cho địa phương mình. Vì thế có cả đồ sành sứ tiến vua, hoa quả tiến vua, gà tiến vua, cá tiến vua…
"Mỗi địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu và rất đáng trân trọng. Giờ không còn được tiến vua nữa, nhưng để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam được quảng bá ra thị trường thế giới mới là việc đáng tự hào và rất nên làm. Chúng ta không nên có tư tưởng cho rằng sản phẩm này sản phẩm kia của địa phương mình là đồ tiến vua thì mới cao quý.
Đây là tư tưởng làng xã không phải tư tưởng đổi mới hiện nay cả. Năm con gà, chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện “Gà cùng 1 mẹ chớ hoài đá nhau” để cùng nhau đoàn kết, đưa đất nước hội nhập sâu với thế giới bằng việc tạo nên những thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như các loại gà “tiến vua” chẳng hạn”, TS Đức nhấn mạnh.