Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng rất nhỏ, nguyên nhân chủ yếu do những sơ hở trong các quy định của pháp luật...
Tin nên đọc
10 Đề án Phòng chống tham nhũng được lựa chọn triển khai
10 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng: Ngành Tòa án chuyển 35 trường hợp cho cơ quan điều tra
10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng: Giải quyết hơn 4.300 vụ án
Chống tham nhũng, lãng phí - kiểu Đinh La Thăng
Tham nhũng 2.000 tỷ, thu hồi ... 5 tỷ, thông tin "xót xa" này được ông Dương Ngọc Hải - Phó Viện trưởng VKSND TP HCM nêu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2016, do Thành ủy TP HCM tổ chức của ngày 8/3 vừa qua.
"Đại án tham nhũng" và những con số... biết nói
Thời gian qua, nhiều "đại án" tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng được đưa ra xét xử gây chấn động dư luận bởi con số thất thoát lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Hình phạt mà các bị cáo phải chịu rất cao, từ tử hình, chung thân đến vài chục năm tù.
Điển hình là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Viettinbank) phải nhận mức án chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 4000 tỷ đồng của một số ngân hàng và cá nhân.
Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng bọn, các đối tượng không chỉ cố ý làm trái quy định mà còn thao túng hoạt động ngân hàng trong nhiều năm. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái, kinh doanh trái phép, trốn thuế, bầu Kiên lĩnh án 30 năm tù giam.
|
Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tại phiên tòa. |
Hay như vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lăk - Đắk Nông) cùng đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỷ đồng, bị cáo Hùng phải chịu mức án tử hình.
Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo đều quanh co chối tội, thậm chí, bị cáo Vũ Việt Hùng còn "kêu oan": "Tôi vô tội, làm sao lại tử hình?". Luật sự Nguyễn Việt Cường cho rằng, hành vi phạm tội tinh vi, các bị cáo chối tội rất "bài bản", mới thấy hết được cuộc chiến pháp lý với tội phạm tham nhũng là vô cùng khó khăn và phức tạp.
Theo nguồn tin từ VKSND tối cao: "Từ năm 2006 đến nay, Cơ quan điều tra đã phát hiện và khởi tố 37 vụ án, Viện kiểm sát phê chuẩn khởi tố 115 bị can về hành vi phạm tội có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tín dụng.
Trong đó, tội phạm xảy ra tại các Ngân hàng Nhà nước là 10 vụ, chiếm tỷ lệ 27% (riêng tại hệ thống Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam xảy ra 09 vụ, chiếm tỷ lệ 25%), Ngân hàng thương mại cổ phần xảy ra 17 vụ chiếm 46%, còn lại thuộc các loại hình ngân hàng khác. Tổng số tiền bị chiếm đoạt của các ngân hàng là 1.108 tỷ đồng, trên 320 lượng vàng, gần 2 triệu USD".
Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, khi xử lý án tham nhũng, ngoài hình phạt đối với người phạm tội tham nhũng thì việc thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng như thế nào. Luật có quá nhiều kẽ hở hay quản lý lỏng lẻo?
“Trông người mà ngẫm đến ta”
Ông Nguyễn Thái Hưng (cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao) khi luận bàn về thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, cho rằng, cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với các tổ chức Quốc tế nhằm nghiên cứu, trao đổi, ứng dụng khoa học công nghệ ngân hàng, để hạn chế thấp nhất các sơ hở, thiếu sót, những điều kiện…tạo điều kiện cho tội phạm về ngân hàng nảy sinh. Cần phải học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt làm thế nào để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. "Trông người mà ngẫm đến ta”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, cần sửa đổi Điều 179 Bộ luật hình sự quy định về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bởi Điều 179 sử dụng cụm từ “cho vay” là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
|
Nguyên TGĐ ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) Phạm Quyết Thắng vừa bị khởi tố (trái) và Huỳnh Thị Huyền Như bị kết án chung thân. (phải) (Ảnh: Zing, ĐSPL). |
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, thì “cho vay” mới chỉ là một trong bốn hình thức hoạt động tín dụng. Ngoài “cho vay” còn có Chiết khấu các giấy tờ có giá, Cho thuê tài chính và Bảo lãnh ngân hàng.
Để đảm bảo an toàn vốn, các hình thức này đều phải thực hiện theo các nguyên tắc về đảm bảo tiền vay và tuân thủ các giới hạn tín dụng, theo Luật các tổ chức tín dụng.
Liên ngành các cơ quan Tư pháp cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 178, 179 Bộ luật hình sự.
Nói về vấn đề tham nhũng nói chung, tại kỳ họp Quốc hội khóa 13 đang diễn ra, Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (TP HCM) thông tin trên báo Trí thức trẻ, đó nỗi lo nội xâm. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn, gắn với tham nhũng làm cản trở sự đi lên của đất nước.
Còn Pháp luật TP HCM đưa tin, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý khi nhận xét về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, thì cho rằng: “Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục”.
Khởi tố bắt tạm giam nguyên TGĐ Ngân hàng GP Bank Ngày 18/3, cơ quan CSĐT - Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên TGĐ Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP Bank) về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, tháng 7/2015, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can, đồng thời bắt tạm giam Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT và Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GP Bank về cùng tội danh nêu trên. Theo thông tin ban đầu, để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty Tài chính Điện Lực (EVN FC), giữa năm 2011, ông Long và An đã bàn bạc, thống nhất để Long đại diện GP Bank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với Hoàng Công Hợp, Chủ tịch Công ty Thành Trung và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Văn phòng - nhà ở An Khánh Sao Bắc GP Bank với Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Sao Bắc (thực chất hai công ty này là “sân sau” của Long và An). Cơ quan tố tụng xác định, Long và An là chủ mưu, còn Thắng cùng các bị can còn lại là đồng phạm đóng vai trò giúp sức. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho GP bank hơn 5.500 tỉ đồng, trong đó gốc 3.900 tỉ đồng, lãi 1.600 tỉ đồng. |