Trung tuần tháng 3, trong một buổi đoàn công tác Bộ NN&PTNT khảo sát các công trình chống hạn mặn, lãnh đạo một tỉnh miền Tây đã đưa ra một đề xuất táo bạo. Ông cho biết địa phương đang phải gồng mình chống chọi với đợt cao điểm nắng nóng và hạn mặn khốc liệt. Mặn xâm nhập hệ thống sông rạch ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân. Vì vậy, ông đề xuất dẫn nước từ các sông Hậu, Sài Gòn, Đồng Nai về để hạn chế khô hạn, sụt lún, thiếu nước.
|
Ảnh minh họa. |
Vị cán bộ này cho rằng dòng chính Mekong đang bị chi phối bởi một số quốc gia thượng nguồn. Trong khi đó, hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai ở trong nước, ít bị ảnh hưởng. Nguồn nước từ các sông này nằm ở địa hình cao hơn nên có thể khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn để nước chảy tự nhiên. Nếu không đủ tiền, có thể thi công hệ thống dẫn nước phục vụ sinh hoạt trước, sau đó mới tính đến nước cho sản xuất.
Đề xuất trên sau khi được đưa ra, đã được một số ý kiến đánh giá khó khả thi. Vào mùa khô hạn, các sông đều ít nước chứ không riêng gì một số khu vực miền Tây. Chưa nói đến vấn đề nước sông Sài Gòn, Đồng Nai có đang ô nhiễm không, nếu đưa về miền Tây cách hàng trăm km cần xử lý vấn đề an toàn vệ sinh thế nào; chỉ riêng chuyện chi phí bỏ ra rất lớn, cũng là một bài toán.
Hơn một tuần sau đó, tại Hội nghị công bố Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết ý tưởng trên đã từng được Bộ nghiên cứu. Đáng tiếc, việc dẫn nước từ miền Đông về miền Tây tại thời điểm này là không thực hiện được vì lưu vực sông Đồng Nai hiện vẫn thiếu tới 5 tỷ m3 nước/năm và phải tiếp tục dẫn nước từ sông Bé về TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Hệ thống sông này còn đang thiếu nước thì không thể dẫn nước đi đâu được nữa.
Một thực tế khác, theo Bộ NN&PTNT, các dòng sông của chúng ta đang có nguy cơ tụt đáy, nghĩa là càng ngày đáy sông càng bị bào mòn. Do vậy, các công trình gắn với các dòng sông đều khó khăn trong việc lấy nước, gây ô nhiễm cho hạ du. Hay như hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Tây, là quy luật thông thường của vùng giáp biển, nhưng hạn mặn đang có xu hướng đến sớm, kéo dài, nguy cơ ngày càng khốc liệt.
Và như vậy, đề xuất dẫn nước từ miền Đông về miền Tây, không chỉ là một đề xuất, mà còn là một lời cảnh báo từ những dòng sông về thực tế ở một số địa phương miền Tây đang rất khát nước ngọt. Là vấn đề xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Là cần có những giải pháp hữu hiệu nào?
Để giải “cơn khát” ở một số nơi miền Tây, Bộ NN&PTNT đã, đang có các giải pháp công trình để người dân có đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt; như xây các cống lớn, góp phần tích nước, vận hành cho sản xuất, sinh hoạt, giải quyết nước ngọt.
Về lâu dài, các địa phương cần tuân thủ, triển khai chặt chẽ Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình (như chuyển đổi sang kinh tế biển hay nước lợ cho phù hợp) mà ở tầm nhìn vĩ mô Trung ương đã đặt ra; mục tiêu giảm thiểu nhiều nhất những thiệt hại.