Gần đây, Hà Nội xảy ra hàng loạt sự cố liên quan đến vấn đề an toàn tại các công trình xây dựng. Đáng nói, khi những vụ tai nạn không may xảy ra, người dân không biết kêu ai khi trách nhiệm thì vẫn được “đá qua đá lại” giữa nhiều cơ quan.
Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 3.988 vụ tai nạn lao động làm 4.102 người bị nạn. Trong đó, lĩnh vực xây dựng chiếm 21,8% tổng số vụ tai nạn và 20,2% tổng số người chết; số lượng các vụ do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 23,94 % tổng số vụ. Đặc biệt, trong tổng số 62/63 địa phương đã có báo cáo thì Hà Nội có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất, với 11 vụ làm 11 người chết và đa phần đều trong lĩnh vực xây dựng.
Nhiều tai nạn phát sinh
Ghi nhận tại một số tuyến đường tại Hà Nội cho thấy, có rất nhiều công trình nhà cao tầng, công trình giao thông đang được thi công. Đáng nói, dù là khung giờ cao điểm nhưng những công trình này thản nhiên thi công, mặc cho dòng người đông đúc qua lại ngay dưới chính những khối bê-tông, vật liệu xây dựng treo lơ lửng.
Thực tế, đã có nhiều sự cố từ việc thi công mất an toàn tại các công trình xây dựng, điển hình là vụ việc xảy ra vào chiều ngày 28/9 trên đường Lê Văn Lương khiến một người thiệt mạng, hai người khác bị thương. Trước đó, ngày 17/01, một vụ tai nạn lao động sập giàn giáo trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm cũng đã làm 3 người chết và 3 người bị thương.
Quan sát trên đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân), phóng viên ghi nhận có nhiều cẩu tháp tại các công trình xây dựng hoạt động liên tục, vươn dài ra phía đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tình trạng này khiến nhiều người gần khu vực này và người tham gia giao thông e ngại, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị hay đi trên đường Lê Văn Lương và thường xuyên chứng kiến những công trình xây dựng trên trục đường thi công trong lúc nhiều người và phương tiện qua lại.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn chết người, chị Tú tỏ ra lo ngại mỗi khi phải đi qua tuyến đường này. “Tôi thấy tại một số tòa nhà, đơn vị thi công làm giàn giáo bảo vệ hoặc có những biển cảnh báo nên cũng thấy yên tâm phần nào. Thế nhưng đối với những công trình cao, nếu không may đổ cẩu, rơi vật liệu thì phạm vi ảnh hưởng sẽ rất rộng, rất dễ ra ngoài đường” – chị Tú chia sẻ.
|
Nhiều công trình xây dựng ngay sát mặt đường hoạt động khi có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. |
Không chỉ tại khu vực quận Thanh Xuân mà tại nhiều khu vực khác, người dân cũng có chung cảm giác bất an khi đi dưới các công trình xây dựng. Chẳng hạn, tại khu vực xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cần cẩu trục tháp tại dự án Housinco Grand Tower (ô đất CT5 – Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I) cũng thường xuyên vươn ra giữa đường khiến nhiều phương tiện đi lại trên đường vành đai 3 và khu vực đường Nguyễn Xiển luôn cảm thấy bất an. Hay dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi (Hà Nội), tháp cẩu vươn dài qua đường Nguyễn Trãi mà treo lơ lửng trên đó là những khối bê tông nặng hàng chục tấn.
Cần tạo chuyển biến rõ nét hơn
Việc nhiều công trình ngay sát mặt đường được thi công ngay cả khi mật độ phương tiện, người tham gia giao thông lớn, nếu có sự cố mất an toàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người đi đường.
Trả lời báo chí về vấn đề này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh- Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, hiện nay với một công trình xây dựng thường có nhiều cơ quan, đơn vị tham gia vào quá trình thẩm định, giám sát phương án thiết kế đảm bảo an toàn như Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH, cán bộ phụ trách đô thị thuộc UBND cấp phường, quận thành phố và cơ quan giám sát của Sở Xây dựng… Tuy nhiên, từ chuyện các vụ tai nạn, có thể thấy sự phối hợp giữa các cơ quan này vẫn còn nhiều bất cập.
Được biết, theo Chỉ thị số 08 của UBND thành phố Hà Nội (về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp cẩu trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội) thì những công trình sử dụng tháp cẩu có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông và công trình lân cận thì chỉ cho phép hoạt động từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Song nhiều công trình sát đường giao thông, các tháp cẩu vẫn ngang nhiên hoạt động ngoài các khung giờ trên, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Về việc đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng, năm 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn quốc gia về an toàn trong xây dựng số 18/2014 và kèm theo Thông tư số 14. Quy chuẩn này đã yêu cầu những quy định về an toàn trong công trình xây dựng công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, trong trường hợp xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm trong lĩnh vực thi công ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính còn bị xử lý theo Điều 298 của Bộ luật Hình sự (vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng).
Theo đó, tùy mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt tiền đến 500 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 năm - 15 năm tù và với các hình thức xử phạt bổ sung như: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Ngoài ra còn thực hiện việc bồi thường về tài sản, tính mạng theo quy định của pháp luật.
Hệ thống pháp lý là vậy nhưng có thực tế là, mỗi khi có sự cố tai nạn lao động, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công đền bù thiệt hại về vật chất, tinh thần là… coi như xong. Rất ít vụ khởi tố hình sự để điều tra, xử lý những cá nhân, đơn vị liên quan. Chính việc này dẫn đến nhận thức và hành động về bảo đảm an toàn trong lao động ở nhiều công trường xây dựng còn lơ là, từ đó tiếp tục xảy ra nhiều vụ việc thương tâm.