Lễ hội Phủ Dầy năm 2025 tại xã Kim Thái (Vụ Bản) đã diễn ra sôi nổi với nhiều nghi lễ linh thiêng và hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, ngày 2/4 (tức mùng 5/3 âm lịch), hàng nghìn du khách và tín đồ đã về Quần thể di tích Phủ Dầy để tham gia và chiêm ngưỡng những nghi thức truyền thống.
Trong đó, tâm điểm của lễ hội là lễ rước Mẫu thỉnh kinh, một nghi thức mang ý nghĩa giao hòa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Đạo Phật. Đoàn rước xuất phát từ Phủ Vân Cát, di chuyển hơn 3km qua nhiều đền, phủ trong khu di tích, tạo nên không khí linh thiêng và náo nhiệt. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân - sư - rồng, trống hội, tiếp đến là các cụ cao niên áo nâu sòng vừa đi vừa tụng kinh, cùng các đội cờ, kèn, bát âm, thanh đồng, đạo quan, và các kiệu rước trang nghiêm.
 |
Nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian cổ truyền tại Lễ hội. |
Buổi tối cùng ngày, lễ rước đuốc đăng long tại Phủ Tiên Hương càng làm tăng thêm sự huyền ảo của lễ hội. Hơn 1.000 ngọn đuốc được thắp sáng từ ngọn lửa thiêng trong cung cấm, tạo thành một dòng ánh sáng rực rỡ len lỏi qua các di tích như Lăng Mẫu, Chùa Tiên Hương, Phủ Công Đồng. Ngọn lửa thiêng này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
 |
Lễ hội rước đuốc trong Lễ hội Phủ Dầy, Nam Định. |
Trước đó, ngày 1/4 (mùng 4/3 âm lịch), Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn đã diễn ra tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Với sự tham gia của nhiều cung văn, nhạc công từ các địa phương, liên hoan mang đến những tiết mục đặc sắc như: Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Bé Thượng, Quan lớn Đệ Tam, Chúa Đông Cuông… Thông qua làn điệu mộc mạc nhưng đầy cuốn hút của hát văn, sự kiện góp phần tôn vinh và bảo tồn di sản phi vật thể “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”.
Lễ hội Phủ Dầy không chỉ là dịp thể hiện lòng tôn kính với Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà còn là không gian giao thoa văn hóa, nơi cộng đồng cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.