Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến góp ý hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra lấy ý kiến góp ý hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm hướng dẫn đầy đủ hơn một số nội dung được giao tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đặc biệt là để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký Doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định bao gồm 09 chương với 83 điều và 77 biểu mẫu.
Dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh của Nghị định là hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; việc liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: (i) Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam; (ii) Cơ quan đăng ký kinh doanh; (iii) Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh; (iv) Cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động; (v) Cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; (vi) Cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; (vii) Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp.
 |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp. |
Tại dự thảo Nghị định này có nhiều điểm mới như: Bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, ban hành kèm theo hệ thống biểu mẫu áp dụng trong đăng ký Doanh nghiệp; bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký Doanh nghiệp; bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Doanh nghiệp; bỏ quy định về việc đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng…
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP tạo ra những cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được cộng đồng Doanh nghiệp đánh giá cao.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành Nghị định này cần được nghiên cứu hoàn thiện, khắc phục vướng mắc được nhiều địa phương, Doanh nghiệp phản ánh.
Quy định đối với người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký Doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng có một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thực hiện các hành vi phạm pháp, nhằm mục đích trục lợi hoặc trốn tránh trách nhiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, của Nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh; chưa có quy định tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của Doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký Doanh nghiệp; chưa thống nhất về thời gian trong công tác phối hợp xử lý thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế…