Mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi sinh sôi là nỗi khổ mà những người dân thôn Nà Loòng, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã phải gồng mình gánh chịu suốt cả chục năm nay. Nguyên nhân được cho là do cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng gây ô nhiễm...
Hàng chục năm qua, Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng không tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình sản xuất kinh doanh khiến không khí, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng nói là năm 2019 doanh nghiệp này đã từng bị thanh tra tỉnh Lạng Sơn kiểm tra và xử lý những sai phạm về xây dựng đất đai và môi trường, thế nhưng từ đó đến nay công tác quản lý của chính quyền địa phương và các sở ban ngành tỉnh Lạng Sơn đối với doanh nghiệp này vẫn đang bị xem nhẹ, bất chấp nỗi bức xúc của người dân.
Hàng chục năm phải sống trong môi trường ô nhiễm
Trong đơn thư phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, người dân thôn Nà Lòng xã Tân Mỹ huyện Văn Lãng cho biết, hàng chục năm qua họ đã và đang phải sống trong môi trường ô nhiễm do nhà máy sản xuất gelatin và thuộc da của Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh khiến bệnh tât phát sinh, cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng doanh nghiệp này vẫn không bị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Phóng viên đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận thực tế, tại Cơ sở 1 của Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng ở thôn Nà Loòng, xã Tân Mỹ, toàn bộ diện tích đất gần kề nhà máy đã được doanh nghiệp này mua lại để mở rộng phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh và rào chắn xung quanh. Khi đến gần khu vực bể chứa và xử lý nước thải, một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến người hít phải có cảm giác xây xẩm, chóng mặt. Nước ở các bể chứa này đều đục ngầu và hoàn toàn không được che chắn, nên khi trời nắng thì mùi lại càng nồng nặc trong phạm vi cả cây số cũng có thể ngửi thấy. Theo ghi nhận bằng mắt thường thì nước suối ở đây cũng không trong như những chỗ khác.
|
Nước ở đoạn suối Khởi Luông sát phía sau nhà máy không trong như suối bình thường |
Phản ánh tới phóng viên, anh T.V. Dói người dân sống tại thôn Nà Loòng cho biết,”khi nhà máy hoạt động thì mùi da phân hủy trộn lẫn cả mùi hóa chất trong quá trình xử lý bốc lên nồng nặc khắp cả thôn, thậm chí cách cả vài cây số cũng ngửi thấy mùi. Cũng vì thế mà ruồi muỗi sinh sôi, nhà tôi nhiều khi ăn cơm cũng phái mắc màn.
Do suối Khời Luông nằm sát phía sau nhà máy và sau này công ty mở rộng phần đất xung quanh rồi rào kín lại nên họ vẫn thường lợi dụng khi trời mưa to để xả nước thải thẳng ra đoạn suối này. Bên cạnh nhà máy có một cây cầu, bình thường người dân vẫn đi qua, nhưng lúc nhà máy xả thì người của công ty họ cũng cấm dân không được đi qua. cầu”- anh Dói cho biết thêm.
Bà H.T.Bun người dân tộc Nùng năm nay đã 80 tuổi khẳng định “ Hôi thối lắm, chúng tôi bao nhiêu năm nay phải hít mùi này rồi, nhà mấy người đều bệnh hết rồi, mấy đứa cháu cũng bệnh hết. Kiện mãi rồi nhưng có thấy ai xử lý gì đâu nên giờ người dân phải chịu thôi, chả biết làm gì được...”
Doanh nghiệp có được ưu ái?
Được biết, năm 2019 cơ sở này đã bị thanh tra và xử lý về việc để xảy ra sai phạm về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng đất, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước. Nhưng chỉ vài năm sau, doanh nghiệp đã mở thêm một cơ sở mới ở 2 thôn Bó Mịn và Lũng Vài, xã Bắc Hùng cũng thuộc địa bàn huyện Văn Lãng với quy mô và diện tích gấp 5 lần so với cơ sở cũ. Hơn thế nữa, công suất hoạt động của cơ sở 2 này lớn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với cơ sở 1 thế nên hiện tại cơ sở 1 chỉ sản xuất gelatin và hoạt động khoảng 10% công suất, phần thuộc da được chuyển lên sản xuất ở cơ sở 2.
Khi gần đến cơ sở 2 của Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng thì điều dễ nhận biết tại các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp này là mùi hôi thối đăc trưng trong phạm vi hơn 1 cây số là có thể ngửi thấy. Theo quan sát, phía bên ngoài nhà máy không thấy có một tấm biển bảng nào thể hiện đây là cơ sở sản xuất kinh doanh của đơn vị này, thậm trí tra cứu doanh nghiệp cũng không thấy có bất cứ thông tin nào về cơ sở mới này.
Tại khoản 4 điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.” Đây là quy định bắt buộc, là một trong số những phương thức chứng minh sự tồn tại hợp pháp của công ty, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, quản lý.
Do không có thông tin và biển bảng nên phóng viên đã đi nhầm vào khu vực bên trong nhà máy, khi phát hiện có người lạ, bảo vệ lập tức chặn barie và yêu cầu cho kiểm tra điện thoai do nghi ngờ chúng tôi xâm nhập để quay chụp về hoạt động bên trong nhà máy. Sau một hồi giải thích bị nhầm đường do công ty không có biển báo họ mới đồng ý cho chúng tôi ra ngoài với thái độ hậm hực.
Qua hình ảnh ghi nhận từ flycam về hoạt động sản xuất bên trong nhà máy có thể thấy, hệ thống bể chứa xử lý nước thải cũng có màu sắc đục ngầu và bốc mùi hôi thối như cơ sở 1. Đáng nói là nước ở các bể chứa của 2 cơ sở này đều đã đầy, chỉ cần mưa lớn thì nguy cơ nước ở các bể này chảy tràn ra gây ô nhiễm môi trường như doanh nghiệp này đã từng xảy để ra năm 2019 là hoàn toàn có thể lặp lại. Ngoài ra, mẫu nước ở đập Nà Pia, hồ nước để phục vụ tiêu tưới cho người dân ở đây cũng có màu đen và mùi hôi hơn nước hồ bình thường khác.
|
Bể chứa ở Cơ sở 2 của của Công ty Cổ phần sản xuất da Nguyên Hồng (hình ảnh từ flycam) |
Để tìm hiểu, làm rõ những nội dung mà người dân phản ánh, chúng tôi đã tiến hành làm việc với Ủy ban nhân dân xã Bắc Hùng. Ông Đinh Quang Tuy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù là đơn vị quản lý địa phương nhưng UBND xã không có thẩm quyền kiểm tra cơ sở. Mỗi khi có Đoàn kiểm tra của tỉnh và Sở tài nguyên và Môi trường đến làm việc, UBND xã chỉ được tham gia với tư cách thành phần. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đợt kiểm tra, xã cũng không nắm được kết quả và cũng không được nhận được báo cáo nên không có tài liệu để cung cấp cho phóng viên.
Liên hệ với UBND huyện Văn Lãng để tìm câu trả lời, sau nhiều lần hẹn, PV cũng chỉ được ông Phùng Quang Huy, Chánh văn phòng UBND huyện cung cấp cho bản Kết luận thanh tra từ năm 2019. Điều này phần nào chứng minh thông tin do người dân phản ánh việc nhiều năm qua chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đối với doanh nghiệp này là hoàn toàn có cơ sở.
Báo Pháp luật Việt Nam đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị liên quan, nội dung sẽ được chuyển tải tới bạn đọc vào các bài viết sau.