Hết bò, dê, tiền, hàng cứu trợ, chế độ hộ nghèo… nay lại đến nhà tình nghĩa không hiểu sao lại cứ đi lạc địa chỉ…vào nhà quan.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, một lãnh đạo UBND huyện Phước Long (Bạc Liêu) xác nhận, huyện đã xây nhà tình nghĩa tặng cho một đối tượng ở huyện “hàng xóm” là huyện Hồng Dân.
|
Ảnh minh họa. (V. Thọ) |
Vì sao lại có xảy ra chuyện lạ đời này?
Cuối cùng thì cũng tìm ra nguyên nhân, chủ ngôi nhà tình nghĩa “vô tình” được huyện bên xây hiến tặng lại chính là anh của ông Trần Hoàng Duyên - nguyên Bí thư huyện ủy huyện Phước Long vừa mới rời nhiệm sở.
Hóa ra, việc tặng nhầm nhà tình nghĩa cũng đâu phải do vô tình mà có nguyên cớ của nó cả.
Sự tùy tiện trong việc sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước như trong trường hợp này, dù số tiền không lớn, nhưng khi “vỡ bung vỡ bét”, thì không hiểu UBND huyện Phước Long nói sao với người dân huyện nhà, nhất là đối tượng được tặng nhà tình nghĩa, nhưng vẫn phải đợi chờ vì đã…trót tặng cho anh của nguyên bí thư huyện nhà.
Ngay cả ông Trần Hoàng Duyên cũng đâm khó ăn khó nói bởi tai tiếng này.
Chuyện ông bí thư chi bộ thôn Tương Chúc (Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) có ngôi nhà ba tầng, cao lừng lững trong thôn, dân làng ai cũng hay, cũng biết.
Chuyện đó không có gì đáng bàn.
Nhưng, người dân trong thôn mới té ngửa khi hay tin, nhà ông bí thư này đã nằm trong diện hộ nghèo những 10 năm chứ đâu có ít.
Nhà có gắn cả camera, tiện nghi trong nhà ông bí thư hiếm có nhà nào trong thôn sánh bằng, có xe taxi kinh doanh….
Vậy, người dân thôn Tương Chúc đang hết lời ca ngợi gương vượt nghèo của gia đình ông bí thư thôn, rằng nào phải tằn tiện tích lũy, nào nhịn ăn, nhịn mặc…suốt 10 năm mới xây được ngôi nhà khanh trang như thế.
Nay, ông bí thư chi bộ thôn nói rằng, gia đình ông sẽ xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Tiêu chuẩn hộ nghèo, người dân ai cũng biết, vì sao gia đình ông bí thư thôn lại được đưa vào danh sách hộ nghèo, thì chỉ có ông bí thư và lãnh đạo thôn Tương Chúc biết.
Và dù ông có rút khỏi hộ nghèo thì chữ “nghèo” tai tiếng cũng đeo bám ông trong con mắt không chỉ người dân thôn Tương Chúc.
Chuyện 12 con dê dành cho hộ nghèo cũng bỗng lạc vào trang trại của Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thành ( Thanh Hóa) cũng làm dư luận xôn xao một thời. Càng ngạc nhiên hơn với lời giải thích của ông chủ tịch xã Thành Yên: “Thì đưa vào trang trại của bác ấy có điều kiện chăm sóc tốt hơn”.
Trang trại của Bí thư huyện ủy vốn đã có hơn 70 con bò, nên ông chủ tịch xã gửi nốt 12 con bò vào trang trại, cho nó đỡ buồn, cho có bạn có bè nơi đất khách quê người.
Trong khi dư luận cả huyện bàn tán, thì ông chủ tịch xã Thành Yên vẫn “có đáng là bao”.
1.250 con gà được huyện (Quế Sơn, Quảng Nam) phê duyệt cấp cho hộ nghèo ở xã Quế An. Nhưng số gà cho hộ nghèo lại đi lạc hết vào nhà chủ tịch UBND, HĐND, bí thư và cán bộ xã, chẳng có con gà nào lạc vào hộ nghèo.
Ông chủ tịch xã- người nhận gà của người nghèo nhiều nhất (200 con) thản nhiên rằng, sẽ rút kinh nghiệm và xin trả lại cho hộ nghèo.
“Ăn chặn” tiền, hàng cứu trợ, tiền dành cho người nghèo xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, từ cấp thôn đến xã rồi là huyện. Lẽ ra người nghèo được hưởng lợi thì nó lại cứ…lạc vào nhà quan.
Người dân nghèo lại bị mang tiếng là đã được hưởng lợi, thực chất là quan thôn, quan xã, quan huyện hưởng hết.
Tội cho người nghèo đã phải “ chia xẻ” cho các quan cùng hưởng chế độ nghèo, để quan biết cách… vượt nghèo, làm gương cho dân nghèo noi theo.
Âu, đâu có là chuyện lạ, khi nó đã trở thành chuyện thường ngày ở thôn, xã, huyện.