Cho người trong họ hàng mượn đất đã được cấp bìa đỏ ở tạm, nhưng đất không trả mà còn bị đe dọa, hành hung. Gia đình liệt sĩ bà Đinh Thị Hải đã phải chịu đắng cay suốt 15 năm trời đi tìm công lý đòi lại mảnh đất của…chính mình.
Chiếm đất trái pháp luật, trả ơn bằng đe dọa, hành hung
Bản Vạn, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cách thành phố Sơn La gần 150km đường đèo dốc. Vốn trước đây, bản nằm dưới thung lũng, kẹp giữa các dãy núi đồi hoang vu. Khi hình thành lòng hồ thủy điện Sông Đà, bản Vạn bị ngập nước hoàn toàn. Cả bản phải di cư lên lưng chừng núi, và trở thành trung tâm của xã Tân Phong hiện nay.
|
Dù mảnh đất đang tranh chấp và tòa án đang làm quy trình xét xử, nhưng ông Đinh Văn Hoạt vẫn xây dựng thêm nhiều hạng mục, bất chấp sự can thiệp của UBND xã. (Ảnh: A.Thắng) |
Theo đơn thư kêu cứu gửi toàn soạn Pháp Luật Plus, gia đình bà Đinh Thị Hải (SN 1965, là người con duy nhất của liệt sỹ Đinh Văn Thông) trú tại bản Vạn, phản ánh, vì thương ông Hoạt là người họ hàng, nên nhà bà đã cho ông Hoạt mượn đất dựng nhà sinh sống. Nhưng 15 năm qua, ông Hoạt không những không trả đất, mà còn đe dọa hành hung, lật lọng nói rằng chính bà Hải mới là người mượn đất ở nhờ.
Từ năm 1989, bà Hải cùng chồng là ông Đinh Văn Thành (SN 1962) đã di cư lên lưng núi khai hoang dựng nhà. Khi ấy chỉ lác đác có vài hộ gia đình nằm trên lưng đồi heo hút.
Vài năm sau, khi nước lòng hồ sông Đà dâng cao, ngập hoàn toàn bản Vạn, cả bản phải di cư lên lưng núi, trong đó có gia đình ông Đinh Văn Hoạt (vợ là bà Đinh Thị Thiêng)
Bà Hải cho biết, khi đó ông Hoạt còn ở chung với bố đẻ, nhưng do mâu thuẫn gia đình, phải tách ra ở riêng nhưng lại không có đất làm nhà. Thương cảnh ông Hoạt là người họ hàng, bà Hải đã cho ông Hoạt mượn đất ở nhờ vào năm 1993.
Nhưng chỉ 6 năm sau, vào cuối năm 1999, ông Hoạt đã thuê máy ủi về tự ý phá vườn cây “đền ơn, đáp nghĩa” do Hội phụ nữ xã trồng trên đất gia đình liệt sĩ nhà bà Hải để dựng tiếp một căn nhà. Đồng thời tuyên bố không trả đất và còn đe dọa, hành hung gia đình bà Hải.
Sau đó ông Hoạt còn lật lọng cho rằng chính gia đình bà Hải mới là người mượn đất của nhà ông. Tình cảm họ hàng đã sứt mẻ bởi mâu thuẫn mượn đất trả..oán!
Nói về tính hợp pháp của mảnh đất, bà Hải dẫn chứng: “Năm 1996, gia đình tôi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 480m2, trong đó có 225m2 đất thổ cư. Năm 2000, huyện Phù Yên chủ trương cấp đổi bìa mới và giữ nguyên diện tích đã cấp cho gia đình tôi gồm 480m2 (trong đó đất thổ cư 225m2 và 255m2 đất vườn) tại Giấy chứng nhận QSDĐ số 00386 QSDĐ/393/QĐ-UB cấp ngày 23/10/2000.
Hiện toàn bộ nhà cửa mà ông Hoạt đã xây dựng nhiều năm qua đều nằm trọn trong phần đất đã được cấp bìa đỏ số 00386 QSDĐ của gia đình tôi”.
Tòa án chậm trễ 2 năm chưa xét xử
Sau nhiều lần gửi đơn thư lên xã Tân Phong và huyện Phù Yên tố cáo việc ông Hoạt chiếm đất trái phép, nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Và sau nhiều lần hòa giải không thành, quá bức xúc, năm 2007, gia đình bà Hải đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Phù Yên.
Mãi đến ngày 4/4/2014, TAND huyện Phù Yên mới đưa ra xét xử phiên sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Bản án sơ thẩm xác định gia đình bà Hải-ông Thành là người lên ở trên mảnh đất đó trước, sau đó cho ông Hoạt mượn đất xây nhà.
|
Giấy CNQSDĐ của nhà ông Đinh Văn Thành thể hiện rõ số thửa 6 và 7, trong đó số thửa 6 đã bị ông Hoạt phá vườn cây "đền ơn, đáp nghĩa" để chiếm xây nhà. (Ảnh: A.Thắng) |
Căn cứ việc gia đình ông Hoạt dựng nhà nằm trọn trên mảnh đất đã được cấp bìa đỏ của gia đình bà Hải là trái quy định pháp luật, phiên tòa sơ thẩm đã tuyên buộc ông Đinh Văn Hoạt, bà Đinh Thị Thiêng phải có trách nhiệm trả lại diện tích 285m2 đất cho gia đình ông Đinh Văn Thành, bà Đinh Thị Hải.
Do không đồng tình với bản án sơ thẩm, gia đình ông Hoạt đã kháng cáo. Ngày 19/6/2014, TAND tỉnh Sơn La đã đưa vụ án ra xét xử phiên phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm số 01/2014/ST-DS ngày 4/4/2014 của TAND huyện Phù Yên với lý do “Khi giải quyết tranh chấp về diện tích đất, cấp sơ thẩm không xem xét tài sản trên đất là ngôi nhà, dẫn đến không đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đương sự”.
Vụ việc được giao trả hồ sơ cho TAND huyện Phù Yên giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, sau 2 lần tạm đình chỉ, 1 lần hoãn phiên tòa, vụ việc vẫn chưa được xét xử trở lại. Qua đó, TAND huyện Phù Yên đã bộc lộ những khuất tất vi phạm tố tụng khi để quá thời hạn mở lại xét xử phiên sơ thẩm nhiều tháng trời.
Kỳ II: Huyện Phù Yên từng có "màn kịch" hủy sổ đỏ bất thành