Ông Chung bức xúc cho rằng, Giám đốc sở đã làm tổn thương nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và uy tín của một nhà giáo liêm chính như ông.
Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Kiên Giang xôn xao về trường hợp ông Nguyễn Đình Chung mới được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt được 1 năm nhưng lại bị điều chuyển làm Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Kiên Giang) một cách khó hiểu…
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang trao đổi với PV Báo PLVN. |
Ông giáo không thích làm “quan lớn”
Thầy Nguyễn Đình Chung (SN 1961) đã có hơn 30 năm trong nghề. Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người, ông được tặng rất nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen như:
Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cấp tỉnh nhiều năm liền, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Tháng 8/2016, khi đang làm Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt (trường chuyên của tỉnh Kiên Giang), ông Chung được Sở GD&ĐT điều động sang làm Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt với nhiệm kỳ 5 năm.
Mục đích nhằm đưa ngôi trường vừa mới xây dựng mang tên cố Thủ tướng này trở thành trường chất lượng cao của tỉnh, bởi ông Chung giỏi nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm.
Sau một năm điều hành, ông đã cùng tập thể Ban giám hiệu và giáo viên từng bước đưa trường đi vào hoạt động nền nếp, thu hút đông đảo học sinh chất lượng cao khắp tỉnh về đây học tập.
Với bao dự định, khát vọng được cống hiến để đưa ngôi trường xứng tầm với niềm tin của chính quyền và nhân dân Kiên Giang cho tới tuổi về hưu nhưng ý nguyện của ông lại không được tôn trọng.
Dù biết ông Chung không còn đủ tuổi để cơ cấu chức trưởng phòng(quy hoạch lần đầu) nhưng đầu tháng 8/2017, bà Nguyễn Thị Minh GiangGiám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang vẫn gọi ông lên trao đổi về việc điều động ông lên Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học.
Lý do được đưa ra là ông Chung có năng lực, nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Sở quan lý tốt hơn và đặc biệt là để cơ cấu ông lên chức Trưởng phòng vì chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là trưởng phòng hiện tại sẽ về hưu.
Quá bất ngờ, ông Chung đã nhiều lần gặp bà Giang đề đạt nguyện vọng của mình, muốn được ở lại trường, gần gũi với học sinh để tiếp tục cống hiến nốt quãng thời gian còn lại cho sự nghiệp trồng người mà cả đời ông tâm huyết.
Ông Chung cho rằng, bản thân đã lớn tuổi (chỉ còn hơn 3 năm là về hưu), khó thích nghi, khó hoàn thành tốt với công việc mới. Trong khi Sở còn nhiều cán bộ trẻ, có học vị, có kinh nghiệm thực tiễn để cơ cấu vào vị trí lãnh đạo phòng…
Nếu không chấp nhận, ông mong được giải quyết nghỉ hưu sớm. Thế nhưng, nguyện vọng đó không được những người có trách nhiệm ở Sở này xem xét. Ngày 17/8, Sở GD&ĐT Kiên Giang tổ chức lấy ý kiến và ra luôn quyết định điều động. Không đồng tình, ngày hôm sau ông Chung mang quyết định trả lại Sở, kèm theo đó là đơn xin nghỉ việc.
Giám đốc Sở “bất nhất”?
Câu chuyện hiệu trưởng không muốn “thăng chức” là điều xưa nay hiếm, khiến dư luận xôn xao, phân tích mổ xẻ, cho rằng quyết định điều động đó là vội vàng và chưa thấu tình, đạt lý.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Minh Giang- Giám đốc Sở GD& ĐT Kiên Giang nói “việc điều động thầy Chung là hết sức bình thường, không có gì khuất tất “Ngày trước tôi cũng không muốn về làm Giám đốc sở, nhưng vì tổ chức phân công nên mình phải chấp hành. Suốt 7 năm làm Giám đốc, tôi ký hơn 100 quyết định, nhưng chưa hề uống của ai một ly nước.
Trong số những người được tôi ký quyết định, thì khoảng 30-40% tôi chưa bao giờ gặp mặt…”. Thừa nhận việc cơ cấu ông Chung lên chức trưởng phòng khi không còn đủ tuổi là sai quy định nhưng bà Giang cho rằng, “đó là với những chức vụ chủ chốt. Còn như chức trưởng, phó phòng thì hiện nay có thể du di được và ở đâu cũng có…?!
Xung quanh lý do luân chuyển ông Chung, có lúc bà Giang cho rằng ông Chung là nhà giáo giỏi, có nhiều kinh nghiệm, quản lý tốt.
Nhưng có lúc lại cho rằng, vì ông Chung có nhiều vi phạm nên bị điều động… “Ông Chung thường xuyên quát tháo thô lỗ, miệt thị, thiếu tôn trọng đồng nghiệp, học sinh…tạo môi trường làm việc căng thẳng, thui chột sự phấn đấu của lực lượng giáo viên trẻ và học sinh…
Dù đã được nhắc nhở, kiểm tra, nhưng sau đó chẳng những không sửa mà đối phó, tiếp tục làm tăng thêm.
Thu chi các nguồn quỹ không công khai, lập bè phái hạch sách, có biểu hiện đàn áp giáo viên trẻ; dư luận không tốt về thu nhận học sinh có biểu hiện tiêu cực ngày càng nhiều…”- bà Giang phát ngôn trước báo giới.
Thế nhưng, khi được phóng viên đề nghị cung cấp các tài liệu, bằng chứng về những hành vi được cho là sai phạm của ông Chung thì bà Giang không cung cấp được mà cho rằng “đó là dư luận” và sẽ chịu trách nhiệm về những gì bà đã phát ngôn…(?!).
Sẽ theo đuổi chân lý tới cùng
Ông Chung vô cùng bức xúc cho rằng, Giám đốc sở đã làm tổn thương nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và uy tín của một nhà giáo liêm chính như ông. “Suốt hơn 30 năm công tác, tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, chưa hề vi phạm bất cứ điều gì.
Vậy mà nay bà giám đốc lại phỉ nhổ, chà đạp lên tất cả những gì tôi đã đóng góp, cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Những gì bà Giang nói ra là vu khống.
Tôi đề nghị bà đưa ra các bằng chứng. Tôi sẽ làm đến cùng để bảo vệ danh dự của mình. Một giám đốc sở không thể ăn nói bừa bãi, vô căn cứ nhằm trù dập một con người như thế được. Tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề này…”, ông Chung thẳng thắn nói.
Ông Chung cũng trưng ra các bút phê mà giám đốc sở đã “ép” trường phải nhận học sinh yếu kém. Theo đó, dù được xác định xây dựng trường chất lượng cao nên năm học 2017 - 2018, Sở quy định điểm chuẩn là 20,25 điểm (lớp 6) và 22,2 điểm (lớp 10).
Thế nhưng sau đó Sở lại chỉ đạo lấy thêm gần 100 học sinh điểm dưới chuẩn (tất cả đều có bút phê của lãnh đạo sở cùng nhiều cơ quan, ban, ngành).
Đáng chú ý có nhiều bút phê trực tiếp của bà Giám đốc Sở này, mà cá biệt có học sinh thi 3 môn (nhân đôi hệ số) chỉ đạt 8 điểm, nhưng bà Giang vẫn “ép” trường phải nhận. Về việc này, bà Giang thừa nhận là sai nhưng cho rằng, đó toàn là những trường hợp cá biệt và có lý do riêng.