Chuyên trang Giải đáp pháp luật kỳ này tập trung tư vấn, trợ giúp về lĩnh vực xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được thực hiện với sự phối hợp cộng tác của Văn phòng luật sư Đức Thu (Hà Nội).
Bạn đọc có vướng mắc pháp lý cần được tư vấn giúp đỡ xin gửi câu hỏi về hộp thư: [email protected].
|
Ảnh minh họa. |
Hỏi: Con trai tôi bị bạn bè rủ rê tham gia đua xe máy và bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ xe 15 ngày. Xin hỏi con tôi bị xử phạt như vậy có nặng quá không, bởi cháu bị rủ rê và mới vi phạm lần đầu? Xin hỏi thời hạn tạm giữ xe vi phạm được luật quy định cụ thể như thế nào? (Bà Đinh Thị An, 38 tuổi, ở Bình Thuận).
Trả lời: Theo Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là bảy ngày kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình… mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt theo quy định.
Như vậy, việc con trai bà vi phạm (đua xe) và bị tạm giữ phương tiện trong 15 ngày là ở mức trong thời hạn quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Hỏi: Tôi đang có việc gấp chạy xe trên đường, không hề vi phạm mà bỗng dưng bị cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra; dù việc kiểm tra không phát hiện được vi phạm và tôi không bị phạt nhưng đã làm mất thời gian khiến tôi rất bức xúc.
Xin hỏi, luật có quy định về những trường hợp nào thì cảnh sát giao thông được quyền dừng phương tiện để kiểm tra? (Ông Nguyễn Văn A, 45 tuổi ở Hưng Yên).
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA về các trường hợp được dừng phương tiện,cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Như vậy, kể cả trường hợp công dân không có hành vi vi phạm giao thông thì trong những trường hợp kể trên, vẫn có thể bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.
Hỏi: Chị tôi vừa làm mất túi đựng nhiều giấy tờ trong có đăng ký xe máy, xin luật sư hướng dẫn cho chị tôi thủ tục để xin cấp lại giấy đăng ký xe máy? (Bạn Đức Anh, 26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội).
- Trả lời: Khoản 1 Điều 15 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về việc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mất như sau: Hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe bị mất bao gồm: Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư này).
Các giấy tờ theo quy định tại Điều 9 thông tư này. Theo Điều 9 của thông tư này, chủ xe là người Việt Nam, xuất trình một trong những giấy tờ sau:
-Chứng minh nhân dân, trường hợp chưa được cấp chứng minh nhân dân hoặc nơi đăng ký thường trú ghi trong chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình sổ hộ khẩu.
- Giấy giới thiệu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác, kèm theo giấy chứng minh công an nhân dân; giấy chứng minh quân đội nhân dân (theo quy định của Bộ Quốc phòng).
Trường hợp không có giấy chứng minh công an nhân dân; giấy chứng minh quân đội nhân dân thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác.
Thẻ học viên, sinh viên học theo hệ tập trung từ hai năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện; giấy giới thiệu của nhà trường.
Theo đó, bạn cần chuẩn bị giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA) và một trong những giấy tờ tùy thân quy định ở trên nộp tại cơ quan công an cấp huyện nơi đã cấp giấy đăng ký xe để yêu cầu cấp lại.
- Về thời hạn cấp lại bằng lái xe: Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì: Cấp mới, đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe; cấp hồ sơ sang tên, di chuyển xe; cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe thì thời gian hoàn thành thủ tục không quá hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe bị mất thì thời gian xác minh và hoàn thành thủ tục không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Hỏi: Tuần trước do nhà có giỗ, bác tôi bảo người cháu họ lấy xe máy đi mua rượu. Dù biết rõ người cháu chưa có bằng lái xe nhưng bác tôi chủ quan nghĩ rằng chỉ đi có một đoạn đường ngắn nên vẫn giao xe. Không ngờ người cháu này gây tai nạn, làm một cụ già tử vong.
Hiện người gây tai nạn và chiếc xe đã bị công an tạm giữ. Xin hỏi trong trường hợp này bác tôi phải liên đới chịu trách nhiệm như thế nào? (bạn Vũ Thiết, 21 tuổi, ở Hà Nam).
Trả lời: Theo như bạn trình bày thì hành vi của bác bạn có yếu tố cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 264 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo đó, dấu hiệu của hành vi là chủ thể giao phương tiện biết rõ người mình giao là không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng vẫn giao; và người mượn đó đã gây tai nạn làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác.
Theo điều 264 kể trên, người cho mượn xe trong trường hợp này cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 264 quy định như sau:
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100- 500 triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên. 4. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu.