Năm 2019, Học viện Tòa án dự kiến tuyển sinh tối đa 360 chỉ tiêu ngành Luật.
Tin nên đọc
Tuyển sinh 2019: Thí sinh học lực giỏi mới được xét tuyển vào ngành sư phạm, y đa khoa
TP.Hồ Chí Minh giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập
Sửa quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH
Tuyển sinh đại học 2019: Nhiều ngành học mới phù hợp xu thế
Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao về thực hiện công tác sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019 tại Công văn số 97/TANDTC-HVTA, thí sinh khi tham gia sơ tuyển xét tuyển vào Học viện Tòa án phải không quá 22 tuổi (tính đến ngày 20/4/2019).
Về tiêu chuẩn sức khỏe, nam phải cao từ 1,60m, cân nặng từ 48kg đến 80kg, còn thí sinh nữ cao từ 1,55m, cân nặng từ 45kg đến 60kg. Thí sinh không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.
Trao đổi với Báo Tuổi trẻ ngày 14/3, TS. Lê Hữu Du - Trưởng phòng Đào tạo và Khảo thí Học viện Tòa án - khẳng định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được Học viện áp dụng mấy năm qua, từ khi bắt đầu tuyển sinh bậc đại học. Tiêu chuẩn về sức khỏe cùng các tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức nằm trong điều kiện sơ tuyển. Việc sơ tuyển này tương tự trong tuyển sinh các ngành đặc thù khác như kiểm sát, công an, quân đội.
Giải thích về việc đặt ra giới hạn tuyển thí sinh nữ cao từ 1,55 m, nặng từ 45-60kg, nam cao từ 1,6m và nặng từ 48-80kg, TS. Lê Hữu Du cho hay, các tiêu chuẩn sức khỏe được đặt ra ở đây “không có sự phân biệt” mà nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc đặc biệt này tốt hơn, hiệu quả hơn: “Thực tế đây là một nghề rất áp lực, đòi hỏi phải có sự hài hòa về khả năng chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức, chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe, thể trạng đặc thù mới có thể đáp ứng được công việc. Nếu không sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, điều kiện về chiều cao, cân nặng mà thí sinh phải đáp ứng khi dự tuyển vào Học viện Tòa án nêu trên đã khiến không ít thí sinh và phụ huynh “cảm thấy buồn”. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lê (Ba Đình, Hà Nội) – phụ huynh có con đang học cấp 3 – bày tỏ băn khoăn về việc con gái bà vốn có mong ước học Luật và đã “rập rình” xác định từ 2 năm nay về việc sẽ dự tuyển vào Học viện Tòa án. “Thế nhưng với điều kiện tuyển sinh như thế này, con gái tôi coi như bị loại “từ vòng gửi xe”, do hiện giờ cháu đã cao trên 1,70m và nặng 62 kg. Dù cháu xác định rõ việc rèn luyện thể thao đảm bảo sức khỏe để học tập và công tác sau này, nên thể hình khá hài hòa, nhưng yêu cầu một thanh niên đang tuổi lớn phải ép cân đều đặn để giảm vài kg để đủ điều kiện tuyển sinh thì khá là buồn cười. Lẽ ra, thay vào đó, là khuyến khích cháu học tập tốt và rèn luyện thể lực chăm chỉ để đảm bảo tinh thần và thể chất tự tin bước vào cuộc sống” – chị Lê nói.
Bạn Nguyễn Thành Đạt – học sinh cấp 3 – cũng cho rằng điều kiện giới hạn thí sinh nói trên không thuyết phục: “Quy định này gây thiệt thòi cho cả thí sinh có nguyện vọng vào ngành Tòa án và cả ngành Tòa án, vì vô hình trung sẽ loại ra ngoài những thí sinh vừa học tốt vừa có thể lực đảm bảo, bởi hiện nay, trừ một số thí sinh béo phì thì với thể trạng người Việt đang được nâng cao, nam thanh niên cao 1,75 – 1,78m rèn luyện thể thao tốt có cân nặng trên dưới 80kg là điều hết sức bình thường. Nếu khái niệm “thể trạng đặc thù” mà đại diện Học viện nói trên là giới hạn chiều cao cân nặng như thế thì thiếu thuyết phục”.
So với tiêu chuẩn nêu ra trong năm 2018, năm nay, tiêu chuẩn cân nặng đối với thí sinh nam khi tham gia sơ tuyển vào Học viện Toà án đã tăng mức giới hạn cân nặng tối đa từ 75kg thành 80kg.