61 tác phẩm tranh, tượng của 57 Họa sĩ - Nhà điêu khắc sẽ được bán đấu giá nhằm phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường.
Từ ngày 23 - 25 /11 tới đây, 57 họa sỹ - nhà điêu khắc đến từ cả ba miền đất nước sẽ tổ chức triển lãm với tên gọi “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 61 tác phẩm tranh tượng trưng bày trong triển lãm sau đó được bán đấu giá, nhằm ủng hộ hoạt động gây quỹ cộng đồng phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường bị cháy hồi 10/2013.
Tình Bắc - duyên Nam
Triển lãm Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh sẽ có sự góp mặt của cả bốn thế hệ nghệ sỹ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại như: Trương Bé, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Đặng Mậu Tựu, Lý Trực Sơn; hay lớp họa sỹ trung niên như: Đào Châu Hải, Nguyễn Tấn Cương, Bùi Hải Sơn, Đào Anh Khánh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Lê Thiết Cương, Tào Linh...
Có thể nói đây là "duyên kỳ ngộ" của rất nhiều nghệ sỹ nghệ trong Nam, ngoài Bắc sau rất nhiều năm họ chưa có dịp trưng bày tác phẩm cùng nhau.
Họa sỹ Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Sự gặp nhau này giống như cuộc đàm thoại giữa ba bốn thế hệ, mà nghệ thuật của họ trải từ những năm 1970, rồi 1980 đến nay 2015, gần 45 năm sáng tác. Họ vẫn đang sáng tác dù thị trường nghệ thuật những năm gần đây là hoàn toàn bất lợi với giới mỹ thuật. Ở đó, sự quan tâm rất khác nhau giữa các thế hệ về cuộc sống và nghệ thuật cho thấy những nhát cắt vào các thế hệ, khiến mối liên kết truyền thống trở nên đứt đoạn.”
|
Một tác phẩm của Họa sỹ Đào Hải Phong sẽ được trưng bày tại triển lãm lần này. Ảnh: BTC |
Cũng theo ông Thượng: Suốt từ năm 1990 đến nay, có một thực trạng phần nhiều nghệ sĩ nằm im và vẽ kiểu nằm im. Những gì bên ngoài đời sống rất ít được quan tâm và ảnh hưởng đến họ. Những người trẻ thì ráo riết hơn. Nhưng họ lại thiếu sự viễn vọng khi đưa nghệ thuật quá gần sự thật và đòi hỏi sự thật theo ý của mình. Hai chiều rất khác nhau này cho thấy, bức tranh nghệ thuật Việt Nam còn dở dang.“
Rõ ràng, mỗi cơ hội gặp gỡ, giao lưu học hỏi sẽ là cơ hội cho nền nghệ thuật còn dang dở kia. Và chắc hẳn các nghệ sỹ sẽ nhận ra điều gì còn thiếu, dù họ vẫn vẽ và nặn suốt gần 45 năm qua.
"Giấc mơ có thật"
Nhà Lang Mường đã bị cháy rụi (10/2013) dưới tay những người thiếu ý thức. Nhưng điều đáng tiếc là hơn hai năm sau không có ai phải chịu trách nhiệm về việc phục dựng.
Hơn thế, không ít người dân, thậm chí những người hoạt động nghệ thuật, người làm công tác di sản vẫn ngày đêm thiếu ý thức bảo vệ, tôn tạo, thờ ơ với di sản và giá trị vô giá ấy.
Đây cũng là vấn đề mà chính những người làm quản lý phải suy nghĩ. Điều đáng buồn là, sau đó hàng loạt các vụ hỏa hoạn như tại Gian Phủ thờ 300 năm tuổi trong chùa Bút Tháp, cháy chùa Tảo Sách, chùa Dơi, cháy đền thờ Lê Lai ở Thanh Hóa… nối tiếp xảy ra. Nhưng đến nay, câu hỏi phục hồi, tu bổ, tôn tạo di sản sau những tai nạn ra sao dường như chưa có những câu trả lời thỏa đáng.
Vì vậy, rất nhiều người yêu nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ sỹ, họa sỹ, nhà điêu khắc luôn trăn trở và quyết tâm làm sao bảo vệ, giữ gìn và phục dựng những giá trị nghệ thuật đang mai một, mất dần. Việc trưng bày và đấu giá 61 tác phẩm hội họa, điêu khắc nhằm phục dựng nhà Lang Mường sẽ là hoạt động thiết thực để chữa lành "khoảng vỡ di sản", quyết phục dựng lại giá trị văn hóa của rất nhiều trí thức, nghệ sỹ, họa sỹ, nhà điêu khắc trong xã hội.
|
Tác phẩm của Họa sỹ Phạm Tuấn Tú sẽ được trưng bày tại triển lãm Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh. Ảnh: BTC |
Đánh giá về triển lãm Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh Họa sỹ Thành Chương nhận định: “Cuộc triển lãm lần này nhằm đánh thức ý thức bảo tồn di sản đúng đắn cho cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình...”.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải chia sẻ: "Việc chung tay phục hồi nó, là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của từng nghệ sĩ. Qua đó, người ta thấy được câu chuyện của văn hóa thời nay, của sự chia sẻ ấm áp..."
“Một ngôi nhà Lang bị cháy thì không chỉ là mất đi một ngôi nhà, đó là mất văn hóa, mất tri thức, mất truyền thống và mất ký ức. Để phục dựng lại thì công sức của một người là không thể đủ. Sự chung tay đóng góp của các nghệ sỹ cũng như cá nhân tôi không đơn thuần chỉ là khía cạnh vật chất. Nó là cái tâm và cái tình tự nhiên, tự nguyện thôi, với văn hóa Việt. Bảo tồn di sản không phải là việc của riêng một ai. Những giá trị truyền thống của cộng đồng phải là việc của chính cộng đồng cùng chung sức bảo tồn. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất, đẹp nhất.”- Họa sĩ Lê Thiết Cương bộc bạch.
Bảo tồn là công việc khó khăn nhưng hàm chứa những hành động cao quý, hệ trọng và phải có một niềm say mê lâu dài. Qua sự kiện đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, có thể thấy hơn cả là một sự hy vọng tất cả mọi người đều thấy được tầm quan trọng trong ý nghĩa văn hóa của sự bảo tồn và có hành động thiết thực góp phần hỗ trợ cho công việc phục hưng ngôi nhà Lang này. Bởi lẽ sự bảo tồn - với những di sản vật thể và phi vật thể của nó - là một bình diện không thể thiếu của văn hóa trong cuộc sống văn minh.", Họa sỹ Vương Tử Lâm tâm sự.
Một số tác phẩm khác sẽ được trưng bày tại triển lãm Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh và bán đấu giá chiều 25/11.
|
Tác phẩm của Họa sỹ Trương Bé. Ảnh: BTC |
|
Tác phẩm của Họa sỹ Hoàng Phương Vy. Ảnh: BTC |
|
Tác phẩm của Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên. Ảnh: BTC |
|
Tác phẩm của Họa sỹ Lê Thiết Cương. Ảnh: BTC |
|
Tác phẩm của Nhà Điêu khắc Thái Nhật Minh. Ảnh: BTC |
|
Tác phẩm của Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình. Ảnh: BTC |