Hoạt động mê tín dị đoan luôn là tâm điểm chú ý của xã hội mỗi độ Tết đến, xuân về. Linh đến đâu chưa thấy nhưng hậu quả đã đến với nhiều người với các mức độ khác nhau như bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), xử lý kỷ luật… Vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi mê tín dị đoan sẽ bị xử lý như thế nào?
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
“Tín ngưỡng”, “tôn giáo” là gì?
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, “tín ngưỡng” là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội. “Tôn giáo” là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo.
Còn khái niệm về mê tín, dị đoan thì phụ thuộc vào cách nhìn nhận của từng người, từng tôn giáo khác nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng mê tín là tin nhảm, tin xằng bậy, không thấy, không hiểu mà người nào đó nhắm mắt tin theo mù quáng, tin theo một cách mê muội… làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.
Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo từ trước đến nay luôn được Nhà nước ta tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Còn hoạt động mê tín, dị đoan bị bài trừ bằng nhiều biện pháp như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, của cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục; xử phạt…
Vi phạm về mê tín dị đoan có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Những vi phạm về mê tín dị đoan pháp luật quy định xử phạt VPHC và cao hơn là xử lý hình sự. Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Nếu là đảng viên thì tùy vào mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ khỏi đảng.
Về xử phạt VPHC, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm gây ra để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt.
Chế tài xử lý cao hơn được Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tội hành nghề mê tín, dị đoan”. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Không chỉ có hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt VPHC hoặc xử lý hình sự, người vi phạm nếu gây thiệt hại cho người khác còn phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bằng con đường thương lượng, hòa giải hoặc tố tụng.