Vấn đề trên được ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh tại Tọa đàm “Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số” diễn ra chiều 22/4.
|
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Toạ đàm. |
Nhiều hệ lụy
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tục “bắt vợ” còn có những khái niệm như “kéo vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ”… là những tập quán hôn nhân lâu đời, một nét phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Thực tế những năm gần đây, phong tục này đã bị “biến tướng” kéo theo nhiều hệ luỵ.
Theo khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trong nhiều năm qua, các tỉnh đã triển khai mạnh mẽ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn… Do đó, các hủ tục lạc hậu liên quan đến việc cưới và tang ma, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng “tảo hôn” vẫn còn và việc biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật vẫn còn ở một số nơi. Cụ thể là việc một bé gái bị “khống chế” để bắt về làm vợ ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và gần đây nhất là ở Sapa (Lào Cai) gây bức xúc dư luận.
Theo bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện tượng “kéo vợ” gần đây đã chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là các thiếu niên, đang ở độ tuổi còn rất trẻ. Việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với các phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại tại một số địa phương.
Nhấn mạnh việc lợi dụng phong tục “kéo vợ” để bắt dâu một cách cưỡng bức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn tảo hôn và cần có những giải pháp ngăn chặn kịp thời, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cho rằng, sự việc này làm ảnh hưởng đến nét văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, quyền và khát vọng của các bé gái trong vấn đề bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân; góp phần gia tăng nạn tảo hôn khiến nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường phải từ bỏ tương lai. Theo đó, ông Thắng đề nghị cần xử lý nghiêm những người có hành vi lợi dụng, cố tình biến tướng phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Tái hiện tục “Kéo vợ” tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Cần chế tài đủ mạnh
Phát biểu chỉ đạo tại Toạ đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhận định, tục “kéo vợ” theo đúng truyền thống là một phong tục đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị tốt đẹp và nhân văn của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, tại nhiều địa phương, tập tục “kéo vợ” đã không còn phổ biến, thậm chí không còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc Dao, Thái. Đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản tuân thủ quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình. Tuy những biến tướng trong tục “kéo vợ” đã giảm khá nhiều so với trước nhưng vẫn tồn tại ở một số hình thức chính, như tảo hôn, cưỡng ép hôn nhân, buôn bán người... Điều này có thể dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bắt giữ người trái luật, hiếp dâm…
Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra nguyên nhân cơ bản khiến cho tình trạng này chưa thể xóa bỏ hoàn toàn là do nhận thức chưa đầy đủ về phong tục, tập quán của dân tộc, địa phương của một bộ phận thanh thiếu niên cũng như xu hướng kết hôn sớm ở đồng bào H’Mông còn khá phổ biến. Việc xử lý các hành vi vi phạm có nơi còn có tình trạng “cả nể”, thiếu kiến quyết…
Ghi nhận những đóng góp thiết thực của đại biểu cũng như lãnh đạo các tỉnh tham dự toạ đàm, ông Vinh cho biết, để giảm thiểu tình trạng này, cần tập trung vào việc tuyên truyền hiệu quả về Luật Hôn nhân và Gia đình cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời tuyên truyền giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”; cũng như các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”. Kết hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bài trừ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các biến tướng của tục “kéo vợ” như ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên để gia đình, người thân vi phạm. Xác định trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng “kéo vợ”…
Ngoài ra, cần triển khai các chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.