Hàng loạt bãi vật liệu xây dựng ngang nhiên hoạt động trong mùa lũ trái quy định tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Video: Một số bãi vật liệu xây dựng hoạt động trái phép trong mùa lũ.
Doanh nghiệp lén tháo ba-ri-e của phường để vận chuyển vật liệu xây dựng?
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã đăng tải bài viết phản ánh về việc bãi vật liệu xây dựng của Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội hoạt động trái phép trong mùa lũ ở khu vực cảng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ngay sau khi chúng tôi phản ánh, lực lượng thuộc Đội CSGT số 6, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý các phương tiện nói chung, các xe tải chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu vi phạm nói riêng.
Ngày 4/7, UBND phường Thụy Phương cũng tiến hành chặn ba-ri-e tại cửa khẩu đê dẫn xuống bãi vật liệu xây dựng của Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội.
Những tưởng, từ đó Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội sẽ không “có cửa” để tiếp tục hoạt động trái phép trong mùa lũ, nhưng tới cuối tháng 7, chúng tôi nhận được phản ảnh của người dân về việc bến bãi của doanh nghiệp này lại hoạt động rầm rộ vào ban đêm.
Khi liên hệ với bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương thì chúng tôi rất bất ngờ khi biết phường này đã cho phép Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội hoạt động vào thời điểm đó.
Bà Bình cho hay, thời điểm đó, do bãi vật liệu của Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội vẫn còn cát, sỏi trong khu vực hành lang thoát lũ.
|
Máy xúc đang đưa cát xuống tàu trong khu vực Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội vào chiều 13/8. Ảnh: TL |
Chính vì vậy, trong những ngày cuối tháng 7 tới ngày 4/8, UBND phường đã mở ba-ri-e vào mỗi buổi tối để Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội di chuyển cát, sỏi ra khỏi bến bãi.
Đáng chú ý, dù là mùa mưa lũ, nhưng đây là lần thứ hai UBND phường Thụy Phương mở ba-ri-e để các phương tiện ra vào bãi vật liệu xây dựng ở khu vực cảng Chèm.
Trước đó, từ ngày 5 – 9/7, phường này đã mở ba-ri-e ở cửa khẩu đê để các xe tải ra vào mỗi buổi tối. Lý do mở ba-ri-e lần này cũng là để các tổ chức, doanh nghiệp di chuyển vật liệu, phương tiện ra khỏi bến bãi, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Điều đáng nói là, trong hai đợt UBND phường Thụy Phương mở ba-ri-e ở cửa khẩu đê dẫn xuống các bãi vật liệu ở cảng Chèm, chúng tôi nhiều lần có mặt tại khu vực này thì không hề thấy có lực lượng chức năng nào giám sát.
Chính vì lý do này mà hàng loạt xe tải hạng nặng khi rời khỏi cửa khẩu đê này đều chất đầy ắp cát, sỏi. Rất nhiều xe có dấu hiệu quá tải, không che chắn kỹ, thậm chí nhiều xe còn không hề che chắn thùng khi chở vật liệu xuất phát từ đây đi qua nhiều tuyến phố Hà Nội.
Khoảng 22h tối 11/8, nhiều ngày sau khi hết thời hạn mà UBND phường Thụy Phương cho phép Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội được vận chuyển vật liệu ra khỏi bãi, chúng tôi quay trở lại cảng Chèm thì phát hiện bãi vật liệu của doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ba-ri-e chắn ở cửa khẩu đê dẫn vào cảng Chèm đã được mở toang. Bên trong bãi, hai chiếc máy xúc nổ máy ầm ầm, liên tục nạp cát, sỏi cho các xe tải hạng nặng nối đuôi nhau ra vào.
“Thời gian gần đây, bãi vật liệu này vẫn hoạt động. Ban ngày thì ba-ri-e ở cửa khẩu đê được đóng lại nên xe tải không ra vào được. Đến tối thì ba-ri-e được mở ra, các xe tải lại tấp nập ra vào vận chuyển cát, sỏi,” một người dân địa phương cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào ban ngày, khi ba-ri-e ở cửa khẩu đê đóng lại thì ở phía bên trong cảng Chèm, Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội có dấu hiệu vẫn lén lút bán vật liệu bằng đường sông.
Điển hình, khoảng 14h30 chiều 13/8, chúng tôi phát hiện nhiều máy xúc, máy cẩu hoạt động múc cát từ trên bãi của Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội xuống một số chiếc tàu đang đỗ ở mép sông.
|
Rất nhiều bãi vật liệu không phép trên địa bàn phường Thụy Phương vẫn chưa di chuyển hết phương tiện ra khỏi bến bãi. Ảnh: TL |
Sau khi nạp đầy cát, những tàu thuyền này di chuyển sang phía bên kia sông rồi tấp vào một bãi vật liệu xây dựng thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, một chiếc máy xúc đã múc trực tiếp cát từ dưới tàu lên các xe tải. Các xe tải này sau đó chở cát, sỏi tiến thẳng đến một trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Đông Anh.
Sau khi phát hiện bãi vật liệu tiếp tục hoạt động trái phép tại cảng Chèm, chúng tôi đã liên hệ lại với bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương.
Bà Bình cho biết, ba-ri-e chắn ở cửa khẩu đê dẫn xuống cảng Chèm do UBND phường chỉ đạo lập nên. Ba-ri-e chỉ có hai chìa khóa để mở. Một chìa khóa do UBND phường Thụy Phương quản lý, chìa còn lại, UBND phường đã giao cho lực lượng Công an phường quản lý.
Chủ tịch UBND phường Thụy Phương khẳng định, từ sau ngày 4/8, UBND phường đã chặn ba-ri-e cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn các bãi vật liệu xây dựng hoạt động trái phép vào mùa lũ.
Mặc dù vậy, từ ngày 11/8 tới nay, nhiều buổi tối có mặt tại cửa khẩu đê dẫn vào cảng Chèm, chúng tôi vẫn phát hiện một số người thường mở ba-ri-e. Trước đó, vào khoảng 22h tối 27/7, chúng tôi cũng phát hiện một nhóm khoảng 4 người mở ba-ri-e này nhưng không có bất cứ ai mặc trang phục của lực lượng chức năng.
Cứ mỗi khi ba-ri-e được mở ra, các xe tải chở vật liệu xây dựng cứ ào ào chạy ra, chạy vào như chỗ không người.
Trụ sở UBND phường Thụy Phương chỉ cách cảng Chèm khoảng 1km. Không rõ, lực lượng chức năng của phường này đã ở đâu trong khi Công ty Vật liệu Xây dựng Hà Nội hoạt động trái phép trong mùa lũ.
Bãi vật liệu sát kè nắn dòng, có dấu hiệu lấn xuống lòng sông
Trong thời gian tìm hiểu về các bãi vật liệu xây dựng ở phường Thụy Phương, chúng tôi nhận được phản ánh, ở phường Liên Mạc (cùng thuộc quận Bắc Từ Liêm) cách đó không xa cũng có rất nhiều bãi vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ mà không bị cơ quan chức năng xử lý.
Khoảng 16h chiều 13/8, chúng tôi rời khu vực cảng Chèm, di chuyển theo đường đê hướng lên phường Liên Mạc. Khi đi cách cảng Chèm khoảng hơn 2km, chúng tôi thấy biển hiệu lớn đề tên của Công ty CP Thương mại Nam Thăng Long đặt gần một cửa khẩu đê.
Theo nội dung biển hiệu thì công ty này có kinh doanh cát vàng, cát đen. Khi rẽ vào cửa khẩu đê nói trên và đi khoảng 500m, chúng tôi phát hiện một bãi vật liệu xây dựng hiện ra ven sông Hồng. Lúc này, phía trong bãi, một chiếc cẩu quăng ở mép sông đang liên tiếp múc cát lên bãi.
Khi phát hiện chúng tôi ghi hình, một người đàn ông lạ mặt đã tiến lại gần. Sau khi dò hỏi, người này tỏ thái độ khó chịu rồi yêu cầu chúng tôi rời đi nơi khác.
Rời địa điểm này, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo đường đê ngược lên phía phường Thượng Cát. Khi đi được khoảng 2km, chúng tôi thấy phía bên trái đường đê có biển báo rẽ trái 800m sẽ tới trụ sở HĐND, UBND phường Thượng Cát.
Ở phía đối diện, bên phải đê là biển hiệu ghi tên một doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi khác. Doanh nghiệp này là Công ty TNHH Thương mại Thiên Lộc Phú.
|
Bãi vật liệu này được cho là của Công ty Thiên Lộc Phú. Ảnh: TL |
Theo nội dung biển hiệu thì doanh nghiệp này thuộc phường Liên Mạc và cũng kinh doanh cát vàng, cát đen. Cát được bán lẻ tại bến, vận chuyển đến chân công trình. Cũng theo nội dung biển hiệu, doanh nghiệp này cũng nhận bốc xếp vật liệu xây dựng tại bến và vận chuyển theo yêu cầu.
Theo hướng dẫn trên biển hiệu, chúng tôi rẽ phải vào cửa khẩu đê, đi khoảng 600m thì tới bờ sông Hồng. Tại đây, một bãi vật liệu xây dựng khổng lồ hiện ra trước mắt. Một chiếc máy xúc đang múc cát từ tàu đỗ dưới sông lên bãi. Hai chiếc máy xúc khác thì làm nhiệm vụ dồn cát thành những đống cao vút ngay ở mép sông.
Theo quan sát của chúng tôi thì cát, sỏi từ bãi vật liệu xây dựng này có thể đã lấn nhiều mét ra lòng sông. Đáng chú ý, phần vật liệu có dấu hiệu lấn xuống dòng chảy này lại nằm giữa và sát hai kè nắn dòng trên sông Hồng.
Cũng giống như trường hợp ở cảng Chèm, vào ban ngày thì không có bất cứ xe tải nào ra vào hai bến bãi nói trên.
Tuy nhiên, khi đêm xuống, các xe tải hạng nặng lại rầm rập ra vào một số cửa khẩu đê ở phường Liên Mạc để vận chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có hai cửa khẩu đê nơi có biển hiệu đề tên Công ty Thiên Lộc Phú và Công ty Nam Thăng Long nói trên.
Trong quá trình điều tra về tình trạng bến bãi vật liệu xây dựng hoạt động trái phép vào mùa lũ, chúng tôi đã chứng kiến cảnh xe có dấu hiệu quá tải chạy ào ào như "đi hội" trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể về vấn đề này ở những bài viết sau.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68) Công an TP Hà Nội, tính đến tháng 7 vừa qua, trên 3 tuyến sông (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống) do đơn vị này quản lý có tổng số 117 bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng. Trong đó 26 bến còn hạn hoạt đồng, 43 đã hết phép hoạt động, 48 bến còn lại không có giấy phép hoạt động. Qua kiểm tra các bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, Phòng PC68 xác định, hầu hết các bễn bãi hoạt động tự phát, không có quy hoạch của cơ quan chức năng, không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc có nhưng thực hiện không đúng các nội dung trong kế hoạch, không có giấy phép hoạt động bến thủy nổi địa. Bên cạnh đó, các bến bãi chứa thường trong tình trạng chất tải cao quá mức quy định, nằm sát đê, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và đê điều trong mùa mưa lũ. Trong quá trình hoạt động thì người vận chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng thường sử dụng ô tô có trọng tải lớn chạy trên mặt đê gây rạn nứt đê, mất an toàn cho thân đê và gây bụi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực. |