Những ngày vừa qua, những người dân tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước sự kiện tiền lệ chưa bao giờ xảy ra ở nơi mình sinh sống.
Chẳng là một buổi sáng ra đồng, những người dân nơi đây ngỡ ngàng trước sự việc hay cây cột điện cao thế ngày hôm trước còn đứng sừng sững, "hiên ngang" giữa cánh đồng xanh ngát lúa, thì ngày hôm sau đã đổ gẫy, nằm "chổng bốn vó" lên trời.
“Chắc là do trận mưa gió cùng ngày”, có lẽ những người dân nơi đây chỉ có thể nghĩ là như vậy, nhưng lạ kỳ thay, mưa gió lớn đến mức quật ngã hai cây cột điện khổng lồ, mà lại không thể quật ngã một cây chuối nào của bà con trồng ngay cạnh đó.
|
Một trong hai cây cột điện nằm queo quoắt giữ cánh đồng. |
Kỳ tài là ở chỗ đó và sau khi sự việc xảy ra, một vĩ lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ biết “kêu trời”, tức là đổ lỗi cho mưa giông. Nếu có sự tàn phá của thiên nhiên, do mưa gió, có lẽ những người dân sinh sống bao năm ở xã Tiến Dũng là những người hiểu rõ nhất.
Nhưng đến chính bản thân họ cũng còn ngỡ ngàng trước sự việc xảy ra, hoặc là mưa giông đã ưu ái những hàng chuối do người nông dân vun trồng sắp đến ngày trổ hoa, đơm quả không nỡ quật đổ như “hai anh chàng” cột điện hàng ngày vẫn vững chắc "hiên ngang" đứng giữa cánh đồng.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một đơn vị chức năng nào lên tiếng minh oan cho thiên nhiên, mà cụ thể ở đây có thể là mưa to, gió lốc. Và khi sự việc xảy ra thì cái cách đổ cho mưa gió trong trường hợp này có lẽ phù hợp.
|
Nhìn 4 chân của câu cột điện chổng gọng lên trời, khiến cho nhiều người hình dung ra những điều ít ai khẳng định. |
Giá như hôm đó, không có trận mưa, giống ấy thì ai sẽ là người đánh bật gốc “hai anh cột điện” gánh trên mình đường dây 500kv chạy dài hàng chục, thậm chí hàng trăm km, cung cấp ánh sáng cho cả triệu hộ dân và các khu công nghiệp, nhà máy.
Cũng chẳng có ai dư hơi, thừa sức đi đánh bật gốc cột điện một cách manh động đến như vậy và nếu có thì những đối tượng này phải nhanh chóng được cơ quan chức năng truy tìm và xử lý nghiêm khắc.
Sự việc xảy ra đã rõ, nhưng ai là người chịu trách nhiệm trong sự việc này thì vẫn chưa được làm sáng tỏ. Như lời của một chuyên gia về xây dựng đã nói “Trong trường hợp này mà đổ lỗi cho mưa gió thì quả là vô trách nhiệm”. Không biết vị lãnh đạo nọ có vô trách nhiệm không, điều này có lẽ chúng ta nên chờ đợi kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Về phần trách nhiệm, một vị chuyên gia về xây dựng đã khẳng định “cột điện đổ như vậy là do thi công và đặc biệt là thi công móng. Về trách nhiệm đối với một công trình đổ sập như vậy thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, vì đơn vị chịu trách nhiệm nghiệm thu công trình này…”.
|
Hàng chuối cũng "ngậm ngùi" trước sức chịu đựng có phần "yếu thế" của những cây cột điện. |
Câu chuyện về hai cây cột điện khổng lồ đổ gãy, làm cho chúng ta nhớ lại những hình ảnh quen thuộc của tháp truyền hình Nam Định, cũng đã bị thiên nhiên quật ngã vào tối ngày 28/10/2012. Nhưng tại thời điểm đó, ai cũng ghi nhận cơn bão Sơn Tinh đã càn quét ra sao, với sức gió giật trên cấp 12 (cấp cực kỳ nguy hiểm) và tháp truyền hình Nam Định là một trong những “nạn nhân” của cơn bão này.
Trường hợp này thiên nhiên đã không oan, khi quật ngã một công trình kiên cố của tỉnh Nam Định có giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng và các đơn vị chức năng chỉ có thể nhanh chúng khắc phục sự cố để tiến hành truyền phát tín hiệu cho người dân sau khi xảy ra sự cố.
Quay trở lại trường hợp hai “anh cột điện” đang đứng "hiên ngang" giữa cánh đồng bỗng đổ gẫy, phải chăng thiên nhiên cũng biết chọn chủ thể để quật ngã.
Hình ảnh hai cây cột điện nằm sõng soài và các đường dây chạy dài, bên cạnh hàng chuối đứng thẳng không mang một dấu vết tàn phá của thiên nhiên khiến cho người ta đặt ra nhiều câu hỏi trong vụ việc đang gây xôn xao dư luận này.