Hàng trăm biển hiệu các nhà hàng, khách sạn, cột ATM tại KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, Hà Nội đều viết bằng chữ Hàn, có biển không có tiếng Việt.
Không biết từ bao giờ, Khu Đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã “biến” thành khu phố dành cho người Hàn Quốc “có một không hai” tại Hà Nội.
Đây là Khu đô thị mới hiện đại, nằm ở khu vực trung tâm, giao thông thuận tiện, kết nối với nhiều khu vực chính của Hà Nội.
|
Nhiều người Việt có hiểu những cửa hàng này đang kinh doanh gì? |
Quy định về viết biển hiệu tại Việt Nam: Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam (Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009). Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về biển hiệu bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không ghi đúng, không ghi đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không viết bằng chữ Việt Nam mà chỉ viết bằng chữ nước ngoài...; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ biển hiệu vi phạm. (Nghị định 75/2010/NĐ-CP, ngày 12.7.2010). |
Có mặt tại đây để mục sở thị, chúng tôi mới thật sự bất ngờ và choáng ngợp trước những biển hiệu, quảng cáo tại khu phố khá sầm uất này.
Bước vào cổng khu đô thị, đập ngay vào mắt người đi đường là những biển hiệu cỡ lớn. Điều đặc biệt, không chỉ dùng chữ Hàn, mà những biển quảng cáo này còn dành một sự ưu ái khác thường dành cho "chữ ngoại". Trong khi những dòng chữ Hàn Quốc được thiết kế to, đậm hơn, còn chữ tiếng Việt thì bị "lép vế", xếp sang một góc nhỏ bên trên tấm biển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đi sâu vào trong Khu đô thị, ước tính có tới hàng trăm biển hiệu được gắn trước cửa những tòa nhà, căn hộ để kinh doanh có chữ ngoại sặc sỡ, chủ yếu là chữ Hàn Quốc.
Những tấm biển chỉ dẫn, Pano, áp phích này rất đa dạng và phong phú, từ các lĩnh vực nhà hàng, quán ăn đến Massage, Karaoke, thậm chí là bất động sản.
Ngoài ra, còn kể đến một lượng lớn những cửa hàng tạp hóa, những cột ATM rút tiền cũng được “Hàn Quốc hóa”, trông rất lòe loẹt.
Có những tấm biển hiệu khổ rất lớn, nhưng chỉ vẻn vẹn có vài chữ Hàn Quốc, hoàn toàn không có tiếng Việt.
“Tôi tình cờ đi ngang qua khu này nhưng tôi không ngờ ở đây lại tồn tại một khu phố tấp nập dành cho người Hàn Quốc như vậy. Những tấm biển hiệu, quảng cáo mời chào khách hầu như chỉ dành cho người Hàn Quốc, tôi cũng như nhiều người không hiểu ở đây đang kinh doanh những gì. Đứng giữa Thủ đô mà tôi cứ nghĩ tôi đang lạc vào giữa đất nước xứ Kim Chi vậy,” chị Nguyễn Thị Thanh, ở Hồ Tùng Mậu cho biết.
|
Những quán karaoke phong cách Hàn Quốc? |
Không chỉ tồn tại trong phạm vi Khu đô Thị Mỹ đình - Mễ Trì, mà khu phố “ngoại” này còn lan sang cả một phần của tuyến phố Đình Thôn sát bên cạnh đó. Một số những nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng phía cuối đường Đình Thôn và các ngõ ngách thông ra Khu đô thị đều mang phong cách Hàn quốc.
Theo một lái xe taxi thường đón khách tại khu vực cuối đường Đình Thôn chia sẻ, tùy từng thời điểm, nhất là buổi tối, những quán karaoke, nhà hàng Hàn này rất đông khách. Những quán này không phục vụ khách Việt mà chỉ phục vụ khách là người Hàn Quốc.
|
Tại những biển hiệu quảng cáo, pano khổ lớn này, tiếng Việt luôn bị lép vế? |
Theo Điều 18 Luật Quảng cáo quy định tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo quy định rõ:
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên, nhiều người vẫn không hiểu tại sao ngay giữa Thủ đô vẫn tồn tại một khu phố ngoại gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của chính quyền sở tại ở đâu khi để tình trạng này ngang nhiên tồn tại, bất chấp quy định của Pháp luật?
Dưới đây là những hình ảnh mà PV Pháp luật Plus ghi nhận tình trạng trên tại Khu Đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì trong ngày 18/4:
|
Biển hiệu này chỉ có song ngữ Anh - Hàn. |
|
Những cột ATM trong Khu đô thị cũng đều được "Hàn Quốc hóa". |
|
Bất động sản chỉ phục vụ người Hàn Quốc? |
|
Không lẽ những cửa hàng này chỉ phục vụ người Hàn Quốc? |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.