Việc xây căn nhà liền kề trong dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương khiến nhà dân cạnh đó “chìm trong bóng tối”. Cùng với đó, ánh sáng mặt trời không thể soi rọi, không có đường thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao…
Theo đơn khiếu nại và kêu cứu của các ông Trần Đình Diên, Vũ Hoàng Sơn và bà Nguyễn Thị Hồng Phượng là các cán bộ hưu trí thuộc khu tập thể Công ty Khảo sát thiết kế điện I, tại ngõ 5, đường Lương Ngọc Quyến, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội phản ánh dự án xây dựng của Công ty cổ phần xây lắp điện I gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân nơi đây.
|
Đơn kêu cứu gửi đến Pháp luật Plus (báo Pháp luật Việt Nam) việc dự án Nàng Hương thi công gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các hộ dân thuộc Tổ 12 phường Văn Quán, quận Hà Đông |
Năm 1992, các ông, bà được Công ty cho tự cải tạo xây dựng lại diện tích nhà ở và đều xây lên 4 tầng. Nhà ông Diên ở giữa dãy, 3 mặt giáp tường hộ liền kề nên phải hướng mặt tiền ra phía ao bèo tây. Dự án của Công ty cổ phần xây lắp điện I san lấp ao và xây dựng nhà ở trên vùng ao này.
Sau khi san lấp, Công ty làm rãnh thoát nước cho bà con ở dãy A1, nhưng xây dựng đến nhà số 7 của dự án thì lúc làm móng công nhân thi công làm vỡ hệ thống thoát nước. Tường nhà số 7 xây áp sát nhà ông Diên, ông phản ánh, nếu nhà số 7 xây xong nhà ông và nhà bà Phượng biến thành “cái hầm không có ánh sáng mặt trời, không có không khí để thở, không có đường thoát nước”. Bà Diên bị bệnh hen suyễn nặng hơn 20 năm nay phải trợ thở bằng máy, đi viện cấp cứu liên tục, nay sắp rơi vào tình trạng “không còn không khí để thở” thì không biết hậu quả thế nào?
Trao đổi với PV Pháp luật Plus, các ông Diên, Sơn và bà San cho biết, người thiết kế dự án đã không khảo sát kĩ yếu tố sinh thái của khu dân cư.
Hiện nay, nhà ông Diên ảnh hưởng nhất vì 3 mặt đã giáp tường, được hướng mặt tiền thì bị nhà liền kề số 7 bịt mất nên không khí ở đây luôn trong tình trạng ngột ngạt.
|
Đứng tầng 2 nhìn lên. |
|
Nhìn từ tầng 2 xuống. |
Nói một đằng, làm một nẻo
PV Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Nhật Tân – Phó TGĐ Công ty xây lắp điện 1 (PCC1) về nội dung đơn thư của người dân và được ông cho biết, công ty đã nhận được phản ánh của những người dân sống xung quanh, cạnh căn nhà liền kề số 7, thuộc dự án Nàng Hương.
Dự án Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương bao gồm hai tòa nhà cao tầng CT1 (17 tầng) và tòa nhà cao tầng CT2 (21 tầng). Ngoài ra còn có 8 khu biệt thự diện tích 180m2 cùng 7 ngồi nhà liền kề. Trong đó, ngôi nhà liền kề số 7 sau khi làm móng xong thì người dân khiếu kiện nên việc xây dựng phải dừng lại cho đến nay.
Cũng theo ông Tân thì khi nhận được đơn thư của các hộ dân, UBND phường Văn Quán đã tổ chức họp, kiểm tra hiện trường với chủ đầu tư và đại diện các hộ gia đình có đơn. Vào thời điểm năm 2011, UBND phường kết luận khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương thi công đúng theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời công ty đã mời các hộ gia đình đến làm việc và thống nhất chủ căn hộ số 7 sẽ không xây sát tường vào nhà các hộ dân và lùi vào 50 phân.
Ông Tân cũng cho biết thêm “trước khi thực hiện bản vẽ thì công ty đã đi khảo sát và được sự phê duyệt của các ban ngành”.
Để khách quan và rộng đường dư luận. Sáng ngày 13/8, PV Pháp luật Plus đã đến thực tế tại hiện trường. Với những gì mục sở thị thì việc ông Tân, đại diện cho công ty xây lắp điện 1 phát ngôn với báo chí trước đó lại đi ngược với những gì Phóng viên ghi nhận.
Cụ thể, theo ông Tân thì Cty sẽ cho căn hộ liền kề số 7 xây lùi vào 50 phân, không xây sát với tường nhà các hộ dân. Thế nhưng tại hiện trường, theo quan sát của Phóng viên thì một bức tường bằng tôn vuông vắn cao trên 10m (tương đương khoảng 4 tầng) được dựng lên cùng với hàng cột dài týp sắt to ngang cổ tay, hàn chặt với hàng rào tôn lại dựng sát với tường rào các hộ dân. Mặt khác, cũng theo ông Tân thì giữa Cty với các hộ dân chưa đi đến thống nhất phương án nên công trình nhà liền kề số 7 hiện phải tạm dừng thi công để giải quyết.
Nói là dừng nhưng thực tế tại hiện trường vẫn có 1 số công nhân “lén lút” thi công kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”.
Chính quyền bất lực!
Trước tình trạng người dân thuộc Tổ 12 phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội bức xúc và gửi đơn kêu cứu đã 7 năm nay việc Công ty CP xây lắp điện 1 thi công khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nơi đây nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
PV Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Sinh - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Quán - Hà Đông - Hà Nội được ông cho biết “phường đã nhận được các đơn thư khiếu nại của người dân sinh sống gần dự án Nàng Hương, ngay sau khi nhận được đơn thư, phường Văn Quán cũng đã có các văn bản trả lời người dân”.
Ông Sinh cho biết thêm, Dự án Nàng Hương của công ty xây lắp điện 1 (PCC1) có đầy đủ giấy phép phê duyệt dự án của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu có sai phạm thì phường sẽ cho tạm ngừng xây dựng, tuy nhiên khi xuống kiểm tra thì phía công ty có đủ giấy tờ cấp phép hợp lệ.
“Chúng tôi chỉ có thể tạm ngừng xây dựng trong thời gian ngắn khi có tranh chấp, chứ không có quyền đình chỉ công trình…” ông Sinh nói thêm.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội: Theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, việc xây dựng bất động sản liền kề, các chủ sở hữu phải có nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, cụ thể điều 267 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng như sau: "Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.
Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường".
Trong trường hợp của các hộ gia đình trên, nếu như việc xây dựng dự án làm ảnh hưởng, bịt kín mặt trước tòa nhà, không có lối đi lại, vệ sinh môi trường hợp lý, không có đường ống thoát nước hợp lý thì có quyền yêu cầu chủ dự án phải tạo điều kiện hợp lý cho các nhu cầu trên theo quy định của bộ luật dân sự về quyền sử dụng bất động sản liền kề, quyền về lối đi và cấp thoát nước qua bất động sản liền kề.
Đối với phản ánh của hộ dân về việc Công ty làm rãnh thoát nước cho bà con ở dãy A1, nhưng xây dựng đến nhà số 7 của dự án thì công nhân thi công làm vỡ hệ thống thoát nước trong lúc làm móng, nếu sự việc là có thật thì chủ đầu tư còn có thể bị xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình (quy định tại điểm c khoản 2 điều 13 nghị định Số: 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ).
Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, các hộ dân và chủ đầu tư có thể thỏa thuận với nhau về việc tìm ra phương án giải quyết, nếu như không thể thỏa thuận thì hộ dân trên có quyền làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND phường, quận tiến hành thỏa thuận xác định mức bồi thường, trường hợp không thống nhất được mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin bạn đọc.