936 tuyến phố sẽ được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với độ bền 50 - 70 năm.
|
Vỉa hè đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được lát đá tự nhiên - Ảnh: Khánh Linh. |
Việc lát đá thực hiện đồng bộ với việc hạ ngầm các đường dây cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… để tránh vừa lát xong lại đào lên, gây lãng phí.
Hạ ngầm “rác trời” trước khi lát đá
Trước thực trạng vỉa hè của Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người đi bộ và cảnh quan, văn minh đô thị, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo từ nay trở đi, tại các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa sẽ có kết cấu bền vững, tuổi thọ sử dụng 50 - 70 năm.
Việc triển khai lát đá tự nhiên lần này sẽ được thực hiện đồng bộ với hạ tầng. Tức là thiết kế đồng bộ kỹ thuật hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… trên tuyến để tránh việc vừa lát xong lại đào lên.Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông về chủ trương này, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian gần đây một số tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn TP Hà Nội được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sử dụng vật liệu lát hè, bó vỉa, bó ô gốc cây bằng đá tự nhiên. Trong đó, điển hình là đường Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn… đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, sử dụng vật liệu đá tự nhiên đem lại bộ mặt đô thị khang trang cho các tuyến phố.
Theo đó, 936 tuyến phố của 12 quận trên địa bàn thành phố sẽ được lát đá tự nhiên theo đúng những đường phố mẫu. Có 12 doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung cấp gạch lát vỉa hè do thành phố quyết định. “Việc quy định rõ vật liệu sử dụng lát hè là đá tự nhiên sẽ chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn Hà Nội mạnh ai nấy làm, mỗi tuyến phố một kiểu gạch lát hè. Để đảm bảo tính đồng bộ và sử dụng bền lâu các công trình hạ tầng kỹ thuật, Sở đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất và cung cấp vật liệu lát vỉa hè xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp. Vật liệu đá tự nhiên được các đơn vị giới thiệu có giá dưới 500.000 đồng/m2”, ông Dục cho biết.
Liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn đầu tư của từng dự án. Tuy nhiên, chủ trương chung là sẽ kết hợp cả nguồn vốn xã hội hóa và kinh phí từ ngân sách, trong đó cơ bản là sẽ kêu gọi xã hội hóa nhiều hơn.
“Việc thực hiện lát đá tự nhiên lần này được thực hiện đồng bộ với hạ tầng. Tức là thiết kế đồng bộ kỹ thuật hạ ngầm các đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… trên tuyến để tránh việc vừa lát xong lại đào lên. Nói cách khác, yêu cầu đặt ra là độ bền vật liệu phải được đảm bảo, đi kèm với chất lượng hạ tầng, chấm dứt cảnh bới lên, đào xuống”, vị lãnh đạo này cho biết.
Làm đồng loạt hay chỉ một số tuyến phố?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nêu quan điểm, cần phải xem xét liệu việc lát đá tự nhiên có phù hợp với tất cả các tuyến phố hay cần phải phân loại từng tuyến phố riêng biệt? Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cho biết, sẽ triển khai với giá thành dưới 500.000 đồng/m2 là chưa hợp lý, bởi không thể đưa ra một con số cụ thể cho hàng trăm tuyến phố khác nhau được”.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, với mức giá 500.000 đồng/m2 không thể nào mua được những vật liệu tốt nhất. “Chất lượng công trình phụ thuộc vào hai yếu tố, thứ nhất là con người, thứ hai là tiền. Tiền nào của đấy, nếu tiền ít thì sẽ không thể đạt chất lượng tốt được”, ông Thịnh nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho rằng, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên để làm đẹp cảnh quan đô thị là rất đáng làm. Tuy nhiên, làm việc gì thì trước hết cũng phải cân nhắc kỹ những mặt lợi, mặt hại và tính cấp thiết của nó.
Theo ông Hùng, hiện nay gạch xi măng lát đường nếu đảm bảo chất lượng theo đúng quy định thì vẫn tốt, vẫn đảm bảo mỹ quan. Việc vỉa hè nham nhở là do quản lý không tốt, đơn vị này vừa lát xong, đơn vị kia lại đào bới lên mà không hoàn trả lại như cũ, chứ không hẳn là do độ bền của vật liệu. “Quan điểm của tôi là nếu có làm thì cũng chỉ nên làm ở một vài tuyến phố chính, ở khu trung tâm để làm điểm nhấn hoặc làm dần trong nhiều giai đoạn, còn nếu làm đồng loạt một lúc sẽ vô cùng tốn kém”, ông Hùng nêu quan điểm.