Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/4, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội - đã công khai số điện thoại cá nhân (0989641364) để tiếp nhận phản ánh, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về cán bộ thi hành án nhũng nhiễu, tiêu cực.
|
Ông Lê Quang Tiến- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội trả lời tại cuộc họp báo chiều 12/4 (Ảnh: T.K) |
Theo ông Lê Quang Tiến, thời gian qua Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc thiết lập kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ thi hành án. Đối với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, hiện nay có rất nhiều kênh để người dân phản ánh về hoạt động thi hành công vụ của cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực.
“Số điện thoại của Cục trưởng trưởng Cục Thi hành án dân sự, số điện thoại đường dây nóng của Cục Thi hành án đều đã thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để người dân có thể gọi tới phản ánh. Người dân cũng có thể gửi đơn trực tiếp kiến nghị tại các cơ quan thi hành án dân sự hoặc tại Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đều bố trí phòng tiếp dân, niêm yết công khai nội quy, phân công lãnh đạo tiếp dân hàng ngày, mở cửa tiếp dân hàng ngày. Người dân có nhiều “kênh” để phản ánh thông tin”- ông Tiến nhấn mạnh.
Cục trưởng Lê Quang Tiến mong muốn tiếp nhận được nhiều thông tin của người dân để cơ quan thi hành án có điều kiện kiểm tra, xác minh với quan điểm xử lý nghiêm minh với sai phạm.
“Chúng tôi đã quán triệt tới tất cả đội ngũ thi hành án và đã có những trường hợp phát hiện nhũng nhiễu tiêu cực bị xử lý nghiêm minh, thi hành kỷ luật”- ông Tiến nói.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2017, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận, huyện, thị xã có biện pháp giao chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền hàng tháng cho chấp hành viên thuộc đơn vị. Đồng thời chỉ đạo chấp hành viên thường xuyên rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, tập trung vào các vụ việc có giá trị thi hành án lớn, vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, tham nhũng.
Những việc đang bán đấu giá tài sản phải tích cực, chủ động phối hợp tổ chức bán đấu giá đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đối với các vụ việc đã bán đấu giá tài sản nhưng chưa tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cần lập kế hoạch để tổ chức giao tài sản dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài dẫn đến khiếu nại.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc rà soát, phân loại việc, tiền thi hành án, bảo đảm chính xác, thực chất; số liệu báo cáo các kỳ phải bảo đảm chính xác, trung thực, thống nhất, nghiêm cấm chạy theo thành tích. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra nếu phát hiện đơn vị nào không thực hiện đúng chỉ đạo của Cục, cố ý làm sai lệch số liệu, chạy theo thành tích sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo, công chức liên quan của đơn vị đó theo quy định của pháp luật”- ông Tiến khẳng định.
Như Dân trí đã phản ánh, tại cuộc họp báo này, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết đã ra quyết định không có điều kiện thi hành với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng còn lại của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vì xác minh thấy không còn tài sản nào khác. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo, cán bộ trong vụ án xảy ra tại Vinalines vẫn đang “nợ” cơ quan thi hành án số tiền rất lớn, ít có khả năng thi hành vì không có tài sản (?!).