Sau một thời gian lâm bệnh, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã từ trần vào chiều ngày 9/2/2018, hưởng thọ 89 tuổi.
Tin nên đọc
Tin buồn: Cụ thân sinh nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT qua đời
Hàng ngàn học trò nghẹn ngào tiễn biệt thầy hiệu trưởng đột ngột qua đời
Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch quỹ IDG Ventures Vietnam bất ngờ qua đời vì đột quỵ
Hoạ sỹ cuối cùng của thế hệ mỹ thuật Đông Dương qua đời
Chị Trang Nhung, giáo viên một trường THPT chuyên cho hay khi nghe tin, chị và nhiều cựu sinh viên của khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội cảm thấy trống trải, như mất đi một điểm tựa "vì thấy mất đi một bản lĩnh kẻ sĩ, nhân cách trí thức và một nghệ sĩ tài hoa".
|
GS Nguyễn Đăng Mạnh (áo đen) và nhà văn Hoàng Ngọc Hiến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Theo thông báo của Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), GS Nguyễn Đăng Mạnh sinh ngày 18/3/1931 tại xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Thầy từng học tại trường Chu Văn An - Hà Nội. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp một trong những khóa đầu trường ĐHSP Hà Nội, thầy vào công tác tại Khoa Ngữ văn - ĐHSP Vinh khoảng 5 năm, rồi sau đó chuyển ra làm việc và gắn bó cả quãng đời còn lại với Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại - Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội.
Với những công trình "Mấy vấn đề phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chí Minh"; "Chân dung văn học tập I"; "Văn và dạy học văn", "Nhà văn tư tưởng và phong cách", "Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn", "Văn học Việt Nam hiện đại Những gương mặt tiêu biểu", "Nhà văn Việt Nam hiện đại Chân dung phong cách"..., GS Nguyễn Đăng Mạnh là một trong số những nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học hàng đầu trong lịch sử nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã góp phần đặt nền móng lý thuyết và thực hành phương pháp luận nghiên cứu tác gia văn học ở Việt Nam, góp phần phát hiện và làm nổi bật giá trị thẩm mỹ của nhiều tác gia văn học Việt Nam hiện đại trong đó có Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng...
Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gắn bó với giảng đường Khoa Ngữ văn - ĐHSP Vinh, Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội. Những tập bài giảng, giáo trình Văn học Việt Nam thầy trực tiếp viết, tham gia, chủ trì biên soạn đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh dưới sự dìu dắt của thầy đã trở thành những nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh còn tham gia vào Cải cách giáo dục, chủ biên sách giáo khoa THPT những năm 1980 -1992.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đăng Mạnh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện hữu nghị Việt -Xô Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.
Trong cuốn "Một tiến trình vào nghiên cứu phê bình văn học", nhà lý luận văn học Hoàng Ngọc Hiến - nguyên hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du đã viết về GS Mạnh với những lời trân trọng:
"Thành đạt lớn nhất của anh là bằng con đường tự đào tạo từ một trí thức bình dân trở thành một trí thức thực học”.
Còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Nguyễn Đăng Mạnh là người “đọc” tinh các nhà văn “Đọc được cái tạng ấy của từng người cầm bút là cái tài của người phê bình”.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong kể về GS Nguyễn Đăng Mạnh như sau:
"Ông là một nhà phê bình không chỉ chú mục vào “tầm chương, trích cú”. Ông là một nhà văn đầy sáng tạo. Đọc “Văn học Việt Nam hiện đại - những gương mặt tiêu biểu” cũng như cuốn hồi ký, thực lòng tôi thấy hấp dẫn hơn cả nhiều nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết. Chỉ một vài trang, thậm chí một vài dòng ông đã lột tả được cái tạng, cái hồn của người mà ông viết. Ông thực sự là một nghệ sỹ lớn".
Chia sẻ với VietNamNet, PGS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết:
“Tôi không phải là người học văn nhưng tôi biết về GS Nguyễn Đăng Mạnh qua anh Thanh con trai của ông và gặp ông qua việc tiếp xúc với các học trò. Trong số học trò thành đạt của ông, có những người cùng thế hệ tôi như các anh Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Hoàng Văn Cẩn, Châu La Việt, cả những người chưa bao giờ là học trò của ông như anh Vu Gia. Tất cả những người mà tôi biết đều rất kính trọng tài năng của ông. Những buổi tiếp xúc với ông không nhiều (nói chính xác là 2 - 3 lần gì đó, trong đó một lần nhà riêng của con trai ông và một lần ăn cơm tối cùng ông với anh Đỗ Ngọc Thống và những học trò ông ở Sài Gòn).
Hôm đó, chúng tôi nói về nhiều chuyện, kể cả chuyện sách giáo khoa và chương trình phổ thông Ngữ văn mà ông tham gia với vai trò chủ biên SGK ngữ văn lớp 11-12 cách đây hơn 30 năm. Ông đã bị một số người cho là không thành công trong vai trò chủ biên. Cá nhân tôi thì không nghĩ vậy. Chủ biên một bộ sách, lại là người có nhiều tâm huyết về bộ môn văn như ông thì chuyện làm sách không phải là thú chơi. Nó là công việc của nhà khoa học, nên cá nhân tôi rất kính trọng ông khi ông đảm nhận vai trò đó.
Sau này gặp, tôi thấy ông là một người rất hài hước. Khi nói chuyện, tôi luôn cảm nhận được sự trân trọng của ông dành cho thế hệ học trò. Ông khuyến khích họ trong việc đảm nhiệm các công việc mà ông đã làm".