Ngày 11/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2024. Đối tượng dự thi là thí sinh là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học của Trường ĐHSP Hà Nội; Đăng ký dự tuyển vào các trường đại học công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường ĐHSP Hà Nội để xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2024. |
Các môn thi gồm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học.
Tại điểm thi Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. |
Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Trường ĐHSP Hà Nội có nguồn nhân lực chất lượng cao, dồi dào, đang làm việc tại 24 khoa đào tạo, trong đó có những khoa đào tạo giáo viên tương ứng với các môn học ở phổ thông, 3 trường Phổ thông trực thuộc (Trường THPT Chuyên ĐHSP Hà Nội, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nam) và khối hành chính, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi.
Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi cho thí sinh. |
Biên soạn đề thi là những chuyên gia hàng đầu, cán bộ, giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm thuộc các Khoa đào tạo. Trong số này có rất nhiều thành viên chủ chốt (chủ biên, tác giả, góp ý - phản biện,…) tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ, giảng viên thường xuyên được tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân tích đề thi đối với công tác đảm bảo chất lượng của đề thi, Trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo lý thuyết khảo thí hiện đại. Hiện nay, Trường có 04 cán bộ phân tích đề thi, bao gồm: 02 tiến sĩ, 02 thạc sĩ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
Về việc chấm thi, giảng viên và giáo viên trong trường có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp THPT, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên là những thành viên nòng cốt tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).
Về việc tổ chức thi, Trường ĐHSP Hà Nội có các đơn vị chuyên trách tổ chức thi là phòng Đào tạo, trung tâm Đảm bảo chất lượng; có các đơn vị hỗ trợ thi về cơ sở vật chất, kĩ thuật là trung tâm Công nghệ thông tin, phòng Quản trị và phòng Khoa học - Công nghệ. Hàng năm, Trường tổ chức hàng chục đợt thi với quy mô từ vài nghìn đến hàng vạn thí sinh như: thi tuyển sinh đại học, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 các trường Phổ thông trực thuộc, thi kết thúc học phần và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Do vậy, đội ngũ cán bộ tổ chức thi, hỗ trợ kỹ thuật của Trường được tích lũy nhiều kinh nghiệm và am hiểu quy chế thi.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của trường cho biết, Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường được tổ chức tại 291 điểm thi, trong đó, tại Quy Nhơn có 05 phòng thi (169 thí sinh), tại Đà Nẵng: có 05 phòng thi (243 thí sinh), tại Hà Nội có 281 phòng thi (11125 thí sinh) được chia thành 11 điểm thi.
Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của trường. |
Trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức thi, bao gồm cả yêu cầu về bảo mật, an toàn, an ninh, chống gian lận trong kỳ thi. Các phòng thi có đủ số lượng bàn ghế, đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh ngồi dự thi theo quy định và đảm bảo cho giám thị, giám sát quan sát tốt thí sinh trong quá trình thi. Khu vực thi có đầy đủ hệ thống cảnh báo và chống cháy, nổ, đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Trường có ký túc xá hỗ trợ nhu cầu lưu trú trong thời gian dự thi đối với thí sinh ở xa.
Về cấu trúc bài thi, nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Kết quả bài thi được 9 trường Đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Tags: