Nhóm khách hàng chủ đạo của Gilimex là các tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Amazon và IKEA.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) ghi nhận doanh thu đạt 1.638 tỉ đồng (tăng 51%) và lãi ròng 103 tỉ đồng (tăng 65%). Việc tập trung phân phối vào kênh các khách hàng bán lẻ nhiều kinh nghiệm như IKEA và Amazon, với xu hướng kinh doanh online chủ đạo, đã tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc thù cho Gilimex khi toàn bộ đơn hàng đều được tiêu thụ nhanh chóng bởi quá trình “online hóa”. Ngoài may mặc, doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào mảng bất động sản khu công nghiệp.
Bị mắc kẹt tại nhà vì dịch bệnh, người tiêu dùng giờ đây càng gắn bó hơn với Amazon và các nền tảng giao dịch trực tuyến khác để mua sắm nhu cầu thiết yếu. Trong xu hướng có lợi này, ngày 30.7, Amazon chính thức thông báo doanh thu đạt 88,9 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn đáng kể so với dự báo 81,6 tỉ USD của giới phân tích. Lợi nhuận ròng cũng tăng gấp đôi lên 5,2 tỉ USD, bất chấp việc Hãng đã chi ra hơn 4 tỉ USD để đối phó với đại dịch trong quý trước.
Có thể thấy, đại dịch đã làm thay đổi gần như hoàn toàn thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Từ rau củ đến thiết bị khử trùng, sách, vở, ba lô cho đến quần áo, những chuyến hàng của Amazon đã trở thành nguồn cung cấp chính của nhiều người và gián tiếp trở thành động lực tăng trưởng cho các bên bán lẻ thứ 3, như trường hợp của Gilimex.
Nhiều đơn vị chứng khoán nhận định, nhờ hợp tác với các đại gia bán lẻ online, hoạt động kinh doanh của Gilimex được ổn định và không phải đau đầu tìm đơn hàng để duy trì sản xuất. Mặt hàng chủ đạo của Gilimex là sản phẩm gia dụng, dệt may như túi xách, ba lô, đồ dùng ngoài trời, quần áo...
“Hai đối tác lớn nhất là Amazon và IKEA. Đây là những doanh nghiệp tài chính mạnh, vẫn đang hoạt động kinh doanh ổn định với hướng kinh doanh online là chủ đạo trong thời gian vừa qua. Điều này giúp Gilimex tránh được áp lực trong năm 2020, khác với các doanh nghiệp dệt may trong ngành”, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá.
Trong khi nhiều tập đoàn quốc tế phải hứng chịu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh, chuỗi bán lẻ nội thất IKEA lại chủ động xin hoàn trả số tiền hỗ trợ của chính phủ 9 nước châu Âu và Mỹ. Doanh nghiệp cho rằng tiềm lực tài chính của họ đủ vững vàng mà không cần hỗ trợ. IKEA đang vận hành mô hình mua sắm trực tuyến Click & Collect nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và bảo đảm an toàn cho khách hàng. Theo tìm hiểu, từ những năm 2005, IKEA đã là đối tác tiêu thụ lớn nhất mặt hàng ba lô, túi xách của Gilimex. Tổng đơn hàng khi đó của IKEA chiếm khoảng 40% tỉ trọng của doanh nghiệp này.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lãi ròng của Gilimex đều tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ một số yếu tố: (1) biên lợi nhuận gộp duy trì tương đương năm 2019 ở mức 15,6% trong 6 tháng đầu năm 2020; (2) doanh thu tài chính đạt 33 tỉ đồng, tăng 62% trong khi chi phí lãi vay giảm 25%, còn 8 tỉ đồng.
Để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào kênh online hóa của các đại gia bán lẻ thế giới và ngành may mặc gia dụng nói chung, Gilimex có kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp - lĩnh vực được cho rằng sẽ sớm hưởng lợi khi làn sóng di chuyển nhà máy sản xuất về điểm đến là Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực ít chịu nhiều rủi ro thị trường khi tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp của Việt Nam luôn nằm ở mức cao.
Theo đó, Gilimex dự kiến triển khai dự án Khu Công nghiệp Phú Bài 4 theo tiêu chuẩn Singapore với vốn góp 255 tỉ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ. Quy mô dự án ở mức 420 ha giai đoạn 1 và thêm 87 ha ở giai đoạn 2. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến ở mức 3.000 tỉ đồng. “Điều này sẽ là động lực tăng trưởng mới cho điểm cơ bản và diễn biến giá cổ phiếu trong ngắn và trung hạn”, đại diện của Công ty Chứng khoán Yuanta nhìn nhận. Theo đó, mức giá mục tiêu trung hạn của GIL là 33.170 đồng/cổ phiếu, với xu hướng tăng trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Nhiều chuyên gia nhận định, ở mức giá hiện tại, P/E Trailling (hệ số P/E trượt) của GIL là 2,9x, thấp hơn rất nhiều so với P/E ngành hàng cá nhân là 8,4x. Điều này cũng gợi ý thời điểm “bắt đáy” cho nhiều nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao khi giá đỉnh cao nhất của GIL là 35.000 đồng/cổ phiếu.