Tối 23/8, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, nhân kỉ niệm 71 năm ngày Cách mạng Tháng Tám - Quốc khánh 2/9 và 71 năm Ngày truyền thống Cách mạng tỉnh Bạc Liêu (23/8/1945 - 23/8/2016), Hội Âm nhạc TP HCM đã trao tặng 25 ca khúc viết về Bạc Liêu cho Sở VH -TT&DL tỉnh Bạc Liêu.
|
Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen các tập thể và cá nhân có đóng góp cho phong trào âm nhạc của tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nguyên Hoàng) |
Chương trình giao lưu âm nhạc này do Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu và Hội Âm nhạc TP HCM phối hợp thực hiện.
Được biết, 25 ca khúc viết về vùng đất Bạc Liêu của các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Nhất Sinh, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Ngọc Thiện… đã được sáng tác vào chuyến đi thực tế năm 2013.
Các nhạc sĩ chia sẻ chuyến đi đã để lại những ấn tượng và kỷ niệm đẹp về vùng đất và con người Bạc Liêu hiếu khách. Từ đó, các nhạc sĩ đã dành những tình cảm chân thành của mình gửi gắm vào các ca khúc.
|
Ca khúc “Bạc Liêu Ta Đó” do Nhóm Lạc Việt và nhóm múa Trung tâm Văn hóa Bạc Liêu. (Ảnh Nguyên Hoàng) |
Trong ca khúc “Bạc Liêu đất nghĩa tình người” của nhạc sĩ Thế Hiển và ca khúc “Hướng về Bạc Liêu” của nhạc sĩ Nhất Sinh đã thể hiện rõ “chất” trữ tình của người miền Tây và để lại nhiều cảm xúc cho người nghe.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: “Bên cạnh những truyền thống cách mạng, Bạc Liêu còn là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay, một bài ca trụ cột trong loại hình sân khấu cải lương. Ngoài ra, Bạc Liêu còn có điệu nói thơ êm ái, trữ tình và giọng hò chèo ghe ngọt ngào, sâu lắng; có giai thoại về Công tử Bạc Liêu khá hấp dẫn và nhiều điểm du lịch nổi tiếng”.
|
Đại diện cho Hội Âm nhạc TPHCM trao 40 phần quà cho các em thiếu nhi. (Ảnh: Nguyên Hoàng) |
Sau các tiết mục văn nghệ, chương trình đã trao 40 phần quà dành tặng cho 40 em thiếu nhi tại Bạc Liêu.
Theo chia sẻ, các em đều là con em trong gia đình Thương binh Liệt sĩ, gia đình nghệ nhân Đờn ca tài tử, gia đình nghệ sĩ nghèo, các em học sinh giỏi đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, có hoàn cảnh khó khăn.