Không trung thực trong kê khai tài sản bắt buộc thì chính xác đó là một sự gian dối. Gian dối không kê khai biệt thự giá trị 100 tỷ đồng (bằng 70 năm lương của cán bộ cao cấp - chủ nhân của căn biệt thự đó) mà chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách thôi thì đó là sự khuyến khích tham nhũng.
|
Hình minh họa |
Hơn thế, pháp luật đã “bỏ qua” cho tài sản không chứng minh được nguồn gốc, chỉ yêu cầu anh kê khai cho đúng thôi mà vẫn gian dối, chứng tỏ người kê khai đó không có phẩm chất hàng đầu của nhân cách con người là trung thực.
Nghịch lý và đáng hài hước hơn là người giữ cương vị lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả lại dùng bằng giả, người mắc tai tiếng trong quản lý tài chính lại trúng cử chức lãnh đạo tài chính trong lĩnh vực bóng đá. Mới đây, một loạt cán bộ lãnh đạo ngành Thuế ở Bình Định bị cơ quan Thanh tra phát hiện gian dối, “chống lưng” cho doanh nghiệp gây thất thoát hơn ba chục tỷ tiền thuế.
Các cán bộ chính sách xã hội ở Nghệ An làm thế nào đó mà chứng nhận cho hàng trăm thương binh giả làm Nhà nước mất trắng 118 tỷ đồng. Hầu như trong lĩnh vực nào cũng có chuyện gian dối từ thương mại đến học đường, từ giáo dục đến y tế, từ quản lý đất đai đến quản lý tài sản công, từ trong các bản báo cáo thành tích đến quy hoạch đô thị, từ giải quyết chính sách đến thống kê thiệt hại thiên tai, từ lời khai của bị cáo trước phiên tòa đến những bản án ra trái pháp luật,...
Những sự gian dối đó có thể bị phơi bày ra trước ánh sáng của công luận hoặc pháp luật, có thể không bị phanh phui nhưng có điều rất đáng sợ và đáng lo là não trạng biết là gian dối đấy nhưng vẫn phải chấp nhận, coi như không có, sau cùng là hệ quả “lộng giả thành chân” đến mức người dối trá vẫn tin mình là thật thà. Những sự gian dối đó dùng để tiến thân, lẩn tránh trách nhiệm, lấy điểm, lấy thành tích,... và đó là biểu hiện của tham nhũng và để tham nhũng. Điển hình nhất là các vụ gian dối bằng hình thức khai vống và khai khống thiết bị, vật tư mua sắm để trục lợi từ văn phòng phẩm cho cơ quan đến một dự án tầm quốc gia.
Gian dối lộng hành đến mức sự trung thực bị nghi ngờ. Chẳng hạn, một hành động đẹp, một sự quan tâm đến người dân của cán bộ lãnh đạo bị cho là “diễn”.
Trong mọi mối quan hệ xã hội, sự tin tưởng là nhân tố quan trọng nhất của sự vững bền để vượt qua các thử thách, chông gai. Khái quát lại, đó là niềm tin và có niềm tin từ nhân dân thì ắt việc khó khăn đến đâu cũng giành được thắng lợi. Cơ sở xây dựng niềm tin là sự trung thực, giả dối lên ngôi thì niềm tin mất đi mà “mất niềm tin là mất tất cả” - như nhận định của một vị lãnh đạo. Thế nên, cuộc chiến chống tham nhũng của đất nước chính là nhằm vào sự giả dối, cổ súy trung thực và lấy lại niềm tin của dân chúng.