Thời gian qua, dù đã được tuyên truyền cảnh báo rất nhiều và thủ đoạn của tội phạm không mới nhưng vẫn có rất nhiều người cả tin mắc bẫy “siêu lừa”.
|
Đối tượng giả danh công an, yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. |
Giả danh người của chuyên án mật
Giữa tháng 12/2016, bà Huỳnh Huôi (51 tuổi, quê An Giang) nhận được điện thoại đe dọa của người tự nhận là trung tá công an hình sự ở Bắc Ninh đang điều tra một chuyên án mật liên quan đến bà và yêu cầu bà ra ngân hàng chuyển 350 triệu đồng để chứng minh bà trong sạch.
Người này nói rõ, sau khi chứng minh được bà Huôi không liên quan thì số tiền này sẽ được hoàn trả cho “khổ chủ”. Tuy nhiên, sau khi nộp đủ tiền để chứng minh mình “trong sạch”, bà Huôi không thấy được trả lại tiền, điện thoại cho ngài trung tá công an thì không liên lạc được. Biết mình đã bị lừa, bà Huôi mới tá hỏa đi trình báo sự việc.
Nhận tin báo, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, chi nhánh An Giang làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt trên 400 triệu đồng của bị hại qua điện thoại.
Theo trình bày của bà Huôi, chiều 19/12, điện thoại bàn nhà bà Huỳnh Huôi (51 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) đổ chuông. Bà Huôi nhấc máy, một người đàn ông tự nhận là trung tá, cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh.
Người này cho biết đang điều tra chuyên án ma túy lớn, nghi phạm bị bắt giữ đã khai bà Huôi có liên quan đến vụ việc. Qua điện thoại, người đàn ông buộc bà Huôi rút hết tiền trong các tài khoản ngân hàng chuyển vào số tài khoản 0300354... cùng lời đe dọa: “Nếu bà không chuyển tiền, cơ quan điều tra sẽ thực hiện lệnh bắt tạm giam”.
Người tự nhận là trung tá yêu cầu bà Huôi phải giữ bí mật, không được nói cho bất kì ai biết, kể cả người thân trong gia đình. Sau cuộc điện thoại, bà Huôi đến ngân hàng chuyển hơn 350 triệu đồng vào tài khoản trên. Chuyển tiền xong, bà Huôi không liên lạc được với người này, đã đến cơ quan điều tra trình báo.
Cũng với thủ đoạn tương tự, chiều 21/12, bà Hồ Ngọc Ánh, (57 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) cũng bị lừa mất 52 triệu đồng. Bà Ánh cho biết, bà nhận được điện thoại của một người xưng là trung tá, cán bộ của Cục C46 (Bộ Công an).
Qua điện thoại, người này cho biết đang làm chuyên án ma túy lớn và thông báo bà có liên quan trong vụ án. Cơ quan điều tra đã có lệnh bắt giam 2 tháng với bà Ánh. Bà Ánh muốn tại ngoại để điều tra thì phải chuyển 52 triệu đồng vào tài khoản của một ngân hàng.
Bà Ánh cho biết đã đến ngân hàng chuyển 52 triệu đồng vào số tài khoản 0200328 trên do Nguyễn Thanh Tùng đứng tên (có địa chỉ tại Hà Nội). Chuyển tiền xong, bà Ánh liên lạc lại với vị tự nhận là trung tá nhưng điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Hiện công an TP Long Xuyên cũng đang tích cực điều tra, truy xét thủ phạm giả danh công an lừa tiền của bà Ánh.
Đe dọa nộp tiền để… phục vụ điều tra!
Tháng 10/2016, từ đơn tố giác tội phạm của người dân, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để làm rõ thông tin một người dân trình báo bị kẻ lạ gọi điện xưng công an dọa phải nộp tiền.
Theo trình báo của chị V. (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), chị đang ở nhà thì có số điện thoại với mã nguồn ở nước ngoài gọi đến. Đầu dây bên kia, một người đàn ông xưng là cán bộ công an tỉnh Đồng Nai thông báo là chị V. đang có một tài khoản với số tiền hơn 3 tỷ đồng liên quan đến đường dây mua bán ma túy nên phải khai báo các tài khoản hiện có để phục vụ điều tra.
Sau một hồi khai thác thông tin từ chị V., kẻ lạ biết được số tài khoản ngân hàng của chị V. nên đã dùng nhiều số khác gọi đến “dọa” chị V. Kẻ lạ yêu cầu chị V. chuyển cho chúng số tiền hơn 1 tỷ đồng và bắt chị V. không được báo công an.
Nghi mình bị lừa, nên chị D đã không chuyển tiền và trình báo công an. Sau khi tiếp nhận sự việc, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết không ai có tên như chị V trình báo. Cơ quan này đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an xác minh cho thấy đối tượng gọi vào số chị D ở khu vực tỉnh Lạng Sơn, giáp biên giới với Trung Quốc. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang truy xét thủ phạm.
Chiêu lừa nhận quà khuyến mãi
Không chỉ giả danh công an, người của chuyên án để lừa đảo, thời gian gần đây hình thức lừa đảo qua điện thoại, internet đã xuất hiện ở một số địa phương. Loại tội phạm này được liệt vào nhóm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt, có đối tượng tham gia trong đường dây do người Đài Loan cầm đầu, móc nối hoạt động qua tận Trung Quốc và rất khó truy bắt.
Loại tội phạm này có 3 hình thức lừa. Trường hợp thứ nhất, mua bán qua mạng, lập các trang cá nhân rồi rao mua bán nhiều mặt hàng giá rẻ, đánh vào tâm lý hám lợi của người tiêu dùng, sau đó nhận tiền và biến mất. Trường hợp thứ 2, vào các trang mạng, mở các website và đưa ra các chương trình trúng thưởng, tặng quà khuyến mãi.
Những “khách hàng” nào “may mắn” được các trang này chọn trao giải, phải nộp lại tiền “lệ phí” hay tiền “làm tin”. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản xong, đối tượng lừa cũng cho đóng các trang web luôn. Loại thứ 3, giả danh nhân viên bưu điện, công an, lập giả cả các số điện thoại của cơ quan điều tra…rồi hù dọa nạn nhân “vướng” vào ma túy, nợ tiền cước....
Khi nạn nhân tỏ ra lo sợ, “công an” sẽ nhân đó yêu cầu cho biết số tài khoản, mật mã và cả kê khai tài sản…. Sau đó, bằng các thủ thuật như đột nhập vào trang cá nhân, hack tài khoản để đã rút sạch tiền bên trong, nhưng để đấu tranh với loại tội phạm này đặc biệt khó. Phần lớn số điện thoại đều được mã hóa. Đơn cử trường hợp chị Như, đối tượng lấy số giống hệt với cơ quan Công an TP HCM nhưng thực chất là số “ảo”.
Bằng thủ thuật trong công nghệ số, khi bỏ dấu cộng (+) ở phía trước dãy số điện thoại, nạn nhân chỉ có thể nghe chứ không gọi lại được. Do đó, để Cơ quan điều tra lùng ra tung tích đối tượng, cách duy nhất chỉ dựa vào số tài khoản mà nạn nhân đã chuyển tiền, cung cấp.
Đáng nói, số tài khoản này hầu hết đều được đối tượng mua lại của những người làm nghề xe ôm, nông dân, công nhân… ít hiểu biết nên gặp rất nhiều trở ngại trong tiếp cận, phá án.
Tuy nhiên, kẻ phạm tội dù thủ đoạn tinh vi đến đâu cũng vẫn có những sơ hở, với sự vào cuộc quyết liệt của công an, thời gian qua đã có nhiều chuyên án lừa đảo bị bóc gỡ như vụ Lương Công Hay (SN 1980, ngụ huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), Trần Trà My (1991, ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang) và Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1993, ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Cả 3 đối tượng này đã bị tóm gọn và đang trả giá cho hành vi lừa đảo của mình gây ra.
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, người dân cần đề cao cảnh giác, khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh xác minh, không làm theo yêu cầu của bọn chúng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ, không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho người khác.
Khi nhận được cuộc điện thoại nghi ngờ, phải thông báo ngay đến cơ quan công an, đồng thời thông báo cho bạn bè, người thân và những người xung quanh biết về phương thức, thủ đoạn này của tội phạm để họ cảnh giác, phòng ngừa.
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, người dân cần đề cao cảnh giác. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh xác minh, không làm theo yêu cầu của bọn chúng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ, không cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho người khác. Khi nhận được cuộc điện thoại nghi ngờ, phải thông báo ngay đến cơ quan công an, đồng thời thông báo cho bạn bè, người thân và những người xung quanh biết về phương thức, thủ đoạn này của tội phạm để họ cảnh giác, phòng ngừa. |