Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, rạng sáng ngày (17/12 – theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0% lên thêm 0,25%. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% đến 0,5%.
Việc Fed nâng lãi suất đồng USD đã được các chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu và cho rằng nó sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên PhapluatPlus đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.
Tỷ giá trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn
Fed tăng lãi suất vào thời điểm thị trường ngoại tệ của Việt Nam có dấu hiệu căng thẳng, tỷ giá tại các ngân hàng đã lên kịch trần. Theo ông, tỷ giá trong nước sẽ chịu tác động như thế nào?
Theo tôi, tỷ giá trong nước đang và sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn. Bởi vì một khi đồng đô la tăng lãi suất thì giá trị của nó cũng sẽ tăng theo. Khi đó, cả người bán và người mua đô la đều kỳ vọng là họ sẽ mua bán được với giá cao. Điều này có nghĩa, nhu cầu của đồng USD đang tăng cao, dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá.
Mặt trái của việc đồng USD mạnh lên là lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát vì hàng nhập khẩu có thể phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, nợ công cũng tăng lên nếu tính bằng tiền đồng. Tuy nhiên, sẽ tác động đến nền kinh tế, trước hết là xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Lãi suất VND khó có thể giảm
Thế còn lãi suất đồng VND thì sao thưa ông, có bị tác động sau quyết định của FED?
Lãi suất VND chịu tác động là điểu chắc chắn. Vì để ngăn chặn được tình trạng găm giữ ngoại tệ, lãi suất của đồng VND phải rất hấp dẫn người gửi tiền. Thế nên lãi suất tiền gửi VND khó có thể giảm được. Vì nếu giảm thì chệnh lệch giữa lãi suất đô la và lãi suất VND cũng sẽ giảm theo. Và điều này sẽ đi ngược lại xu hướng chống đô la hóa mà Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã đặt ra.
Tại thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường giải ngân nhiều nên có lẽ phải giữ lãi suất tiền đồng đủ hấp dẫn nên khả năng lãi suất tiền gửi VND sẽ tăng. Trên thực tế, từ vài ba tháng trở lại đây, không ít ngân hàng cũng đã nhích lãi suất tiền gửi đồng VND lên.
|
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Lan Anh) |
NHNN đủ khả năng để bình ổn thị trường
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước cần ứng phó như thế nào?
NHNN nên kiên trì với quyết định của mình, tức nhất quyết không thay đổi tỉ giá từ nay đến cuối năm và những thời gian đầu của năm sau. Tôi nghĩ rằng NHNN có khả năng để duy trì cam kết đó vì NHNN còn một số công cụ để duy trì cam kết đó.
Cụ thể, NHNN có 4 công cụ để có thể điều chỉnh ngay thời điểm này: Thứ nhất, tiếp tục bán ngoại tệ ra ngoài để cân bằng cung cầu, tuy nhiên nếu cứ bán mãi thì sẽ rất nguy hiểm vì một quốc gia cần phải có dự trữ ngoại hối tối thiểu bằng 3 tháng nhập khẩu mà hiện nay Việt Nam đã ở dưới ngưỡng đó rồi.
Thứ hai là sử dụng biện pháp hành chính, thực ra trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng biện pháp này như giảm lãi suất xuống và có thông tư hạn chế găm giữ ngoại tệ. Những biện pháp hành chính này cũng chỉ có giới hạn vì nếu sử dụng mạnh tay thì người dân sẽ lo lắng và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ 3 là đưa ra các khuyến nghị, khuyến cáo như kêu gọi các ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định, không được đẩy giá lên, cố gắng hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước và các thành phần kinh tế, rồi kêu gọi dân chúng không nên đầu cơ ngoại tệ. Thực tế chủ trương không khuyến khích người dân, doanh nghiệp giữ USD đã được nhà điều hành thể hiện rõ qua quyết định giảm lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về mức 0% ngày 18/12.
Công cụ cuối cùng là phải điều chỉnh tỷ giá, mà công cụ này Ngân hàng Nhà nước đã nói rằng, từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh tỷ giá.
Cần thiết phải xây dựng một lộ trình để điều chỉnh tỷ giá
Theo ông, Việt Nam có nên đặt ra một lộ trình điều chỉnh tỷ giá có sẵn như Fed đang làm với lãi suát của họ hay không?
Việt Nam nên có một lộ trình và định hướng cụ thể để điều chỉnh tỷ giá. Năm nay, có thể mình giữ được tỷ giá, nhưng mà sang năm chắc chắn là phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh thì cũng không nên điều chỉnh một cách giật cục, tức là đùng một cái tăng lên 1% hay 2% được, mà nhất thiết phải có lộ trình để tránh cú sốc trên thị trường.
Cũng phải nói thêm rằng,việc NHNN điều chỉnh tỷ giá chỉ là sớm hay muộn thôi, nếu không làm thời điểm này thì sang đầu năm 2016 NHNN cũng phải điều chỉnh vì chúng ta không nhìn thấy lý do giá trị của đồng USD giảm xuống. Nếu xét thấy không cầm cự được nữa thì NHNN nên điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt.
Xin cảm ơn ông!