Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (BVBMNN) để tạo “nỏ thần” giữ nước nhưng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng dự thảo Luật cần quy định minh bạch, cụ thể hơn để tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính quyền.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến |
Hôm qua (22/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BVBMNN.
Đề cập đến tình trạng lạm dụng đóng dấu mật vào những văn bản không mật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: “Trong khi hệ thống luật đã công khai, minh bạch và sửa đổi rất nhiều nhưng vẫn có cơ quan đóng “mật” vào cả danh sách của vụ trưởng hiện hành. Vụ trưởng hiện hành thì có gì mật?. Có những bộ đóng dấu “mật” cả vào chất vấn của ĐBQH không có thông tin mật nhưng vẫn đóng “mật” khiến ĐBQH không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn được”.
Cũng theo bà Nga, việc chậm công khai, công khai hình thức và lạm dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ, ngành trong nhiều trường hợp đã dẫn đến nhiều hậu quả lớn trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Chúng tôi theo dõi các vụ án thấy một số cá nhân cũng rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp các văn bản quy định không rõ ràng”, bà Nga nói và cho biết thực tế đã có một số phóng viên báo chí và thậm chí cán bộ nhà nước cũng có thể bị ảnh hưởng vì bị quy là làm lộ tài liệu mật khi quy định về mật không rõ ràng.
Chính vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH kiến nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất của các quy định của luật này với các quy định có liên quan về công khai minh bạch, về quyền tiếp cận thông tin, về phòng, chống tham nhũng và công khai trong hoạt động tố tụng. “Đặc biệt, Ban soạn thảo cần rà soát lại và tạo điều kiện cho ĐBQH và người dân có thể hoạt động đúng quy định của pháp luật với các quy định cụ thể minh bạch hơn”, bà Nga nhấn mạnh.
ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cũng cho rằng cần phân định lại cho rõ những vấn đề gì, thông tin gì thuộc BMNN vì “nếu không khéo chúng ta lại xâm phạm và có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân”.
Bổ sung chế tài để xử nghiêm vi phạm
Liên quan đến phân loại BVBMNN, danh mục BMNN, nhiều ĐB cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ hơn các cấp độ về phân loại BVBMNN ở mức độ tuyệt mật, tối mật và mật; cần định tính, định lượng đầy đủ, mức độ mật. Theo ĐB Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: tuyệt mật, tối mật và mật như dự thảo Luật chưa có căn cứ và tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại, như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng.
“Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất, thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định, phân loại bí mật nhà nước”, ĐB nói và đề nghị dự thảo Luật cần có quy định cụ thể hơn tiêu chí xác định, phân loại bí mật nhà nước để đảm bảo sự thống nhất. Còn ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) ví việc BVBMNN như bảo vệ nỏ thần của An Dương Vương và là kế sách giữ nước. Do đó, ĐB đề nghị Luật cần bổ sung đầy đủ các chế tài xử lý vi phạm để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật có thể gây phương hại cho quốc gia và dân tộc.