Vẻ đẹp của Thủ đô là những hàng cây rợp bóng, là những con đường nhỏ như ô cờ 36 phố phường, là những tháp rùa, đền chùa rêu phong…
Bây giờ, những chiếc đèn tràn ngập với đủ hình thù, màu sắc “nhiễu loạn” khắp nơi. Mạnh ai người nấy chăng đèn, không chỉ “thảm họa” về thẩm mỹ, mất an toàn giao thông mà còn gây lãng phí tiền của nhân dân. Và để “chữa cháy”, xoa dịu dư luận, Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội đã phát động cuộc vận động sáng tác thiết kế hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa Hà Nội.
“Hoa mày, chóng mặt” vì đèn trang trí
Đầu tháng 1 vừa qua, toàn bộ đèn led trang trí tạo hình bằng 20 bông hoa vừa được dựng lên ở đài phun nước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) đã bị dỡ bỏ chỉ sau vỏn vẹn... một ngày.
Sở dĩ 20 bông hoa đèn này bị “chết yểu” bởi lẽ rất nhiều người cho rằng nó khá kệch cỡm với không gian kiến trúc của quảng trường.
|
Việc trang trí đèn không hợp lý khiến hệ thống chiếu sáng như muốn đổ sập vào người dân.(Ảnh Zing.vn) |
Những bông hoa cao khoảng 3 mét gần như che lấp đài phun nước tại đây. Tạo hình đèn hoa khá kỳ dị, thân màu xanh lá cây, hoa màu hồng tím khiến mọi người không biết đây là loại hoa gì. Có người cho rằng đó là hoa rau muống, có người lại bảo đây là hoa loa kèn, hoa dâm bụt.
Có người quả quyết đây là hoa ăn thịt người trong chuyện cổ tích. “Hoa rũ xuống, cảm giác như đang bị héo úa, thậm chí sắp tàn thế này, bị “chết yểu” là phải. Không hiểu người ta nghĩ gì, thẩm mỹ thế nào mà lại đi thiết kế loại hoa đèn trang trí “thất sủng” này”, anh Võ Trung làm nghề thiết kế mỹ thuật tại Hà Nội ngao ngán.
Không chỉ 20 bông hoa bị “chết yểu”, trước Lăng Bác là dàn hoa màu hồng đậm, lá xanh phát sáng vào ban đêm, nhiều người dân cho rằng kiểu trang trí này “sến sẩm”, không phù hợp với khung cảnh trang trọng, trang nghiêm nơi đây.
Và dàn hoa chỉ “sống” được vài ngày. Tồn tại “ngắc ngoải” chưa đầy một tuần, 10 “lô cốt hoa đào” thô kệch có màu sắc lòe loẹt, tốn tiền tại đường Nguyễn Chí Thanh đã bị dỡ bỏ không thương tiếc. Câu chuyện đèn hoa “thất sủng” chỉ là “giọt nước tràn ly” về vấn đề trang trí đèn của Thủ đô.
Cứ mỗi lần xuân sang, kỷ niệm ngày lễ lớn, Hà Nội lại tất bật chuẩn bị “cờ hoa rợp trời” để chào đón. Nhiều là một chuyện, nhưng đẹp, có thẩm mỹ hay không lại là chuyện khác.
Quanh bờ hồ giăng kín vô số đèn màu vàng với tạo hình như hàng trăm chiếc mũ thô kệch, nặng nề như muốn đổ ập vào người đi dạo hồ.
Chị Vũ Thanh (Hàng Bồ) lo lắng: “Tôi thường đi bộ ở hồ Gươm. Từ khi có dàn đèn “mũ úp” này, đẹp đâu chưa thấy chỉ thấy lo ngay ngáy. Tôi và mấy chị em đi bộ cứ sợ “mũ úp” rơi vào đầu. Điện đóm giăng đầy trên đầu, nhỡ rơi xuống, chết người, thương tật thì kiện ai?”.
Chưa hết, những con đường đẹp như Tràng Thi, Tràng Tiền, đường bao quanh Bờ Hồ, Bà Triệu, Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Chí Thanh... loạn các loại hoa, biểu tượng trang trí - chỗ cả tấm vuông, chỗ ngoằn ngoèo rồng phượng, chỗ uốn hoa, chim, chỗ lấm chấm xanh đỏ, tím vàng.
Nhiều quá hóa…rối mắt. Hàng cây cổ thụ mệt mỏi bị “giam cầm” bởi hàng nghìn mét dây đèn như mớ tóc rối cái tỏ, cái mờ.
Theo giới chuyên môn, trong thiết kế trang trí ở đường giao thông rất tối kỵ chuyện vắt đèn trang trí qua đường. Trời tối, những dàn đèn màu dây tua trang trí bắc ngang đường tạo thành những vầng sáng vắt qua đường gây khó chịu và hại mắt với người đi đường.
Đô thị phải có người thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp, làm thế nào để không tác động đến thị giác người đi đường, gây phân tán mất tập trung. Đó là chưa kể giăng đèn ở giữa phố, người dân không quản “ngáng” dòng xe qua lại, dừng giữa đường kiếm “pô” gây tắc nghẽn, rất dễ xảy ra tai nạn.
“Các thiết kế do đó cần đặt trong bối cảnh cụ thể với tỷ lệ phù hợp, có bản phối cảnh các không gian xung quanh. Tôi phản đối việc kéo đèn qua đường, trang trí đèn xanh, đèn đỏ lòe loẹt khiến người dân bị rối mắt, cảm thấy bất an khi cứ có vật lủng lẳng trên đầu”, họa sĩ Khánh Chương nói.
Đua nhau “tô son, trát phấn”!
Đất kinh kỳ Thăng Long, Hà Nội được mệnh danh là nơi thanh lịch, thâm trầm và tinh tế. Nhưng không hiểu sao càng ngày Hà Nội càng bị “bôi son, trát phấn”, phá vỡ những không gian công cộng.
|
Về đêm, người dân chịu cảnh “hoa mày chóng mặt” từ đèn trang trí. |
Những đèn nhấp nháy, đèn led màu mè tiếp tục được trưng diện trên nhiều tuyến đường, lạc lõng với cảnh quan, không đúng với mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Hùng Mai cho rằng: “Qua bao cấp lâu rồi mà sao công tác cờ đèn, kèn trống, trang trí đường phố của Thủ đô vẫn bao cấp quá. Cổng Ô Quan Chưởng, rồi các cổng làng cổ rất đẹp cứ đến lễ Tết lại nhằng nhịt cờ đuôi nheo, màu sắc xanh đỏ, phá tan hết không gian kiến trúc cổ kính của di tích”.
Vẻ đẹp của Thủ đô là những hàng cây rợp bóng, là những con đường nhỏ như ô cờ 36 phố phường, là những tháp rùa, đền chùa rêu phong… chứ đâu phải những chiếc đèn đủ các loại hình thù, màu sắc “nhiễu loạn” khắp nơi.
Tốn rất nhiều tiền ngân sách để làm ô nhiễm ánh sáng Thủ đô, tác động xấu đến sức khỏe người dân, liệu chính quyền và ngành ánh sáng đô thị có biết? Hà Nội thiếu “nhạc trưởng” điều khiển màn “hòa ca” ánh sáng. Mỗi người một phách, mạnh ai người nấy “gào” khiến quang cảnh thêm nhức nhối.
Mạnh ai người nấy chăng đèn, không chỉ “thảm họa” về thẩm mỹ, mất an toàn giao thông mà gây lãng phí: tiền mua đèn, vật liệu tạo hình, chi phí lắp đặt và “ngốn” nhiều điện năng.
Mỗi năm, Hà Nội phải chi hàng tỷ đồng để trang trí đèn hoa. Dù ngân sách hay nguồn xã hội hóa đều là tiền của dân.
Ấy vậy mà đồng tiền mồ hôi, nước mắt ấy lại phải “đổ” vào những dàn đèn... chẳng giống ai, làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trong khi Hà Nội còn thiếu rất nhiều tiền cho những nhu cầu thiết yếu khác. Hà Nội có “long lanh” hơn khi ở trên đầu giăng đầy đèn nhấp nháy, ở dưới đất “giăng” đầy rác thải? Hà Nội có đẹp hơn không khi trên đường đầy pano, khẩu hiệu nhấp nháy nhưng lại chặt cây xanh, “trồng” hoa giả?
Vẻ đẹp của Hà Nội là sự thanh lịch, văn minh chứ không phải những sắc màu ảo ảnh “ngốn” tiền tỉ của dân. Từ câu chuyện “khai tử” 20 bông hoa kỳ quái, bỏ hàng rào hoa bên Lăng Bác, “lô cốt hoa đào” ở Nguyễn Chí Thanh… “thích thì để, không thích là bỏ”, dường như việc trang trí đèn hoa là trò đùa của những vị lãnh đạo liên quan?
Trao “ghế nóng” cho người dân và nhà báo
Trước sự bức xúc của người dân, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phát động “Cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố Hà Nội năm 2016”.
Mục đích là để trang hoàng, làm đẹp thành phố, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết và các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô.
Thiết kế trang trí thành phố sẽ trên tổng thể gồm bề mặt công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng... Không giới hạn vị trí trang trí nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết sẽ nhấn vào những khu vực chính xung quanh hồ Gươm như: Tượng đài Lý Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền, Bà Triệu... Các thiết kế xuất sắc do Hội đồng nghệ thuật bình chọn sẽ được trao thưởng với tổng giá trị hơn 160.000.000 đồng.
“Các tác phẩm dự cuộc phát động sau khi Hội đồng chấm sẽ đưa lên các cơ quan thông tin đại chúng để người dân đóng góp ý kiến rồi chúng tôi mới quyết định làm. Nếu nhân dân bảo xấu, chúng tôi sẽ không làm nữa. Nhân dân và cơ quan báo chí sẽ là 2 đơn vị thẩm định cuối cùng trước khi Sở quyết định” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhấn mạnh. Với sự cầu thị của người đứng đầu ngành văn hóa Thủ đô, hy vọng thời gian tới, việc trang trí Thủ đô sẽ xứng tầm với mảnh đất ngàn năm.