Sạt lở đất gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân đang là hiểm họa đáng lo ngại tại nhiều khu vực TP. HCM. Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh được xác định là trọng điểm nhưng đang tồn tại nhiều bất cập gây xôn xao dư luận.
Việc thi công dự án chậm do vướng giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu, năng lực nhà thầu khiến người dân lo lắng khi mùa mưa Nam Bộ đang kéo về kéo theo hiểm họa sạt lở khó lường.
Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa gồm nhiều đoạn, có quy mô lớn, được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2006. Dự án chia làm nhiều đoạn như Thanh Đa - Đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) xây dựng kè với tổng chiều dài 2.797m; Dự án Thanh Đa - Đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa) xây dựng tuyến kè dài 3.241m; Dự án Thanh Đa - Đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn) xây dựng kè dài 2.772m. Các dự án chống sạt lở được người dân rất quan tâm bởi trước đó xảy ra nhiều vụ nước “tấn công” làm sập nhà, thiệt hại nhiều nhân mạng.
Tại Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - Đoạn 2 được chia thành 2 gói thầu. Gói thầu xây dựng công trình phần dưới nước (Thảm đá) do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh - Công ty cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương thi công. Gói thầu khởi công từ tháng 8/2015, hiện bị ngưng thi công hạng mục thảm đá gần bờ và công tác nạo vét. Nhiều gói thầu khác thuộc Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - Đoạn 4 đã thi công tới 93% nhưng cũng rơi vào tình trạng “giẫm chân tại chỗ”…
|
Thi công dự án chống sạt lở còn “tắc” đến bao giờ? |
Nguyên nhân của tình trạng ì ạch nêu trên là những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng và dư luận cũng đang đặt câu hỏi về việc đấu thầu, chưa chọn đúng nhà thầu có đầy đủ năng lực thi công…
Về mặt bằng, qua tìm hiểu, được biết, UBND quận Bình Thạnh là chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng. Các quyết định chính sách bồi thường, thu hồi đất, phương án bồi thường đã được quận phê duyệt và đang lập thủ tục chi trả tiền bồi thường. Tuy nhiên, dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến hoàn thành vào quý 3, năm 2019 mới có thể hoàn thành.
Về thông tin nhà thầu không đủ năng lực khiến quá trình thi công trì trệ, nhiều thông tin phản ánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh không đủ các điều kiện như dự thầu khi phải có 4 xà lan, 4 cặp máy đóng kè, thi công các công trình tương tự có giá trị tương đương 70% tổng giá trị gói thầu... Xác minh thông tin, ông Nguyễn Huy Anh, Tổng Giám đốc Công ty Anh Vinh gửi chúng tôi số điện thoại của ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Tổng Giám đốc để trao đổi, cung cấp tài liệu. Chúng tôi đã liên hệ với ông Đặng nhưng không thành. Ông Huy Anh cho biết có thể ông Đặng “làm việc ở công trường nên máy hết pin”.
Những vướng mắc chưa thể khắc phục khiến dự án ì ạch, trong khi nỗi ám ảnh về những vụ sạt lở đất gây thiệt hại nặng khiến dư luận không khỏi bất an. Trước đó, quán Hoàng Ty 1 tại khu vực Thanh Đa bị sạt lở khiến 2 người chết và 3 người bị thương.
Tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nước cuốn trôi nhiều tài sản của người dân và kho tang vật của Công an quận Bình Thạnh bị cuốn xuống sông. Đặc biệt năm 2003, sạt lở đã cuốn trôi 3 căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất của người dân tại bán đảo Thanh Đa. Tính mạng và tài sản của người dân trở nên quá mong manh trước sự “công phá” của sạt lở.
Việc hơn 10 năm triển khai dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành gây nhiều bức xúc cho người dân sống trong khu vực. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Khu quản lý đường thủy nội địa cho biết đã phối hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh vận động các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng trong dự án bàn giao một phần mặt bằng cho các nhà thầu thi công.
Bên cạnh đó, Khu quản lý đường thủy nội địa sẽ kiểm tra vụ việc đấu thầu nhằm đảm bảo tính minh bạch khách quan. Hy vọng dự án chống sạt lở sẽ được khơi thông các bất cập, triển khai, thi công đúng tiến độ; rà soát việc thực hiện đấu thầu đúng pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo vệ hữu hiệu sự an toàn cho người dân trước hiểm họa mùa mưa.