Tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai, cơ quan Công an xác nhận tình trạng “tín dụng đen” đang xảy ra phức tạp, len lỏi vào mọi ngóc ngách, tấn công chủ yếu vào những người có thu nhập thấp, gây bất ổn và bức xúc trong xã hội.
|
Lực lượng chức năng tại hiện trường một vụ đòi nợ bằng hình thức có tính chất côn đồ |
Trong vai người muốn vay tiền, từ thông tin liên hệ, số điện thoại ghi trong tờ rơi quảng cáo dán trên các cột điện, tường rào tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai), PV nhận được nhiều tư vấn nhiệt tình về các gói vay vốn nhanh, thủ tục gọn lẹ, chỉ cần CMND, hộ khẩu hoặc có người thân đứng tên bảo lãnh vay. Với mức lãi được quảng cáo 250.000 đồng/ngày cho khoản vay 5 triệu đồng trong vòng 25 ngày, nhân viên ngân hàng tính toán, người vay sẽ phải chịu lãi suất thực tế khoảng 1%/ngày tính trên nợ gốc, tức khoảng 365%/năm.
Điều dễ nhận thấy, các hình thức cho vay nặng lãi thường được gọi là “tín dụng đen” là hình thức cho vay trả góp, đa phần là các khoản vay nhỏ, ngắn hạn, thường được tính theo lãi suất ngày. Các thỏa thuận của hình thức cho vay nặng lãi thường không công khai rõ lãi suất phải trả cho số tiền vay và chủ yếu là các giao dịch miệng, giấy tay. Nhiều trường hợp sau khi vay lần đầu, người vay không còn khả năng chi trả thì các đối tượng cho vay sẽ gợi ý cho vay thêm. Nếu người vay đồng ý thì sẽ được trừ thẳng số tiền nợ gốc còn lại vào phần tiền vay thêm, nhưng lãi suất lại tăng lên, tính dồn vào theo số tiền còn nợ cũ lẫn khoản vay mới.
Tại Đồng Nai, hoạt động cho vay tiêu dùng diễn ra ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở khu vực có đông công nhân, người lao động, gần các khu công nghiệp, khu vực đông người nhập cư... Ngoài ra, hoạt động “tín dụng đen” cũng đã lan về các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội, hoạt động này ngày càng mở rộng với các hình thức cho vay trực tuyến.
Đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho thấy, hoạt động “tín dụng đen” hiện nay diễn ra phức tạp, len lỏi vào những khu vực có đông công nhân, người lao động. Trên các địa bàn nhiều khu công nghiệp, xuất hiện không ít công nhân là nạn nhân của hình thức cho vay nặng lãi, bị đe dọa, đòi nợ kiểu côn đồ (siết nợ bằng bạo lực, dọa dẫm, đánh, bắt giữ người trái pháp luật…) gây mất an ninh trật tự.
Theo cơ quan Công an các địa phương, các đối tượng cho vay, đòi nợ thường lợi dụng tâm lý lo sợ của người vay để uy hiếp, khủng bố tinh thần khi đến thu nợ. Hơn thế, người vay thường “sợ bị trả thù” nên ít người khai báo với công an. Do vậy, người dân nên chủ động tố giác, trình báo với lực lượng công an về các đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu côn đồ để có hướng giải quyết. Lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các băng nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, cũng như rà soát các hình thức cho vay mới, hạn chế tình trạng các đối tượng, cơ sở núp bóng hoạt động cầm đồ, công ty tài chính để cho vay nặng lãi.