Với diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, tình trạng hàng giả, hàng nhái luôn là cơn ác mộng đối với nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, nhất là những tháng cuối năm với nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.
Khốn đốn vì nạn hàng nhái, hàng giả
Theo số liệu của Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), 10 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện, xử lý trên 181.000 vụ việc vi phạm (tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2016); thu ngân sách Nhà nước đạt gần 19.000 tỉ đồng; khởi tố trên 1.600 vụ vi phạm, hơn 2.000 đối tượng. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Việc bị làm hàng giả, nhái khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, trong đó có doanh nghiệp mỹ phẩm. Bà Bùi Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Mỹ phẩm thiên nhiên Mộc Hà Natural Care cho biết: “Doanh nghiệp phải rất vất vả, tốn nhiều công sức và tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, bỏ tiền đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, bao bì… và xin chứng nhận từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc đưa sản phẩm ra thị trường và cạnh tranh được với nhiều thương hiệu khác còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, một số dòng sản phẩm vừa bán chạy thì có nguy cơ bị làm nhái ngay và bán với giá rẻ, lừa người tiêu dùng.”
|
Cần có biện pháp mạnh xử lý đối tượng làm hàng giả, hàng nhái. |
Theo bà Hà, các thủ đoạn làm giả, nhái trong kinh doanh mỹ phẩm có thể kể đến như nhái mẫu mã, thậm chí nhái cả mã vạch–barcode và QR code để check hàng; hoặc nhái bằng cách dùng tên gọi gần giống với hàng chính hãng; Các thủ đoạn này rất tinh vi và người tiêu dùng cần thông minh tỉnh táo để tìm cho mình một nguồn sản phẩm uy tín chính hãng. Các doanh nghiệp nên chú trọng vào vấn đề này, để đưa ra biện pháp thiết thực, nên đầu tư áp dụng trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để bảo vệ người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp nước nhà.
"Chúng tôi luôn ủng hộ và phối hợp cùng với các cơ quan chức năng bắt triệt phá các đường dây làm hàng giả, hàng nhái và bản thân công ty cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong sản xuất. Ngoài ra công ty chúng tôi, cũng đầu tư trang bị đầy đủ máy móc hiện đại quy chuẩn công nghệ Nhật Bản để mang tới những sản phẩm chính hãng tối ưu nhất, xây dựng định hướng bảo vệ người tiêu dùng lâu dài để người Việt tự tin dùng hàng Việt và đủ sức cạnh tranh xuất khẩu", bà Hà nói.
Hay như trường hợp của anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa, đại diện nhãn hiệu PHINN café đang phải “cầu cứu” nhiều nơi. Thậm chí cả trên mạng xã hội vì nhãn hiệu sản phẩm đã đăng ký Sở hữu trí tuệ của anh đang có dấu hiệu bị xâm phạm.
Cụ thể, trên hộp và gói sản phẩm của thương hiệu lớn nói trên có ghi dòng chữ “café PHINN” và hình ảnh có yếu tố xâm phạm quyền đối với doanh nghiệp của anh Nghĩa. Các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị. Anh Nghĩa nhiều lần gửi thư khuyến cáo nhưng doanh nghiệp nhái hàng không có hồi đáp. “Làm doanh nghiệp, lo bảo vệ mình đã khó thì còn thời gian, tâm sức đâu mà phát triển kinh doanh”, anh Nghĩa nói.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe, khó đẩy lùi vấn nạn
Với siêu lợi nhuận mang lại từ làm hàng nhái, giả, nhiều chuyên gia luật cho rằng mức xử phạt chưa tương xứng nên khó có thể ngăn được tình trạng này. Hơn nữa, các quy định xử lý còn nhiều chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng. Một hành vi vi phạm có thể xử lý ở nhiều mức phạt khác nhau quy định trong các văn bản khác nhau nên khi áp dụng, cơ quan xử lý rất lúng túng.
Đơn cử như theo Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT): “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”. Quy định tại điều 200 luật này cũng nêu rõ, việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, công an, quản lý thị trường, hải quan và UBND các cấp.
Trong khi đó, lực lượng chủ yếu thực thi nhiệm vụ kiểm soát chống hàng giả, vi phạm về SHTT lại là lực lượng quản lý thị trường, do đó hình thức xử lý hầu hết mới dừng lại ở xử phạt hành chính. Hơn nữa, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo Nghị định số 08/2013/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe, khiến quá trình thực thi rất khó khăn.
|
Bà Bùi Thị Thu Hà, TGĐ thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Mộc Hà nói về nạn hàng giả hàng nhái. |
Tại hội thảo “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp” diễn ra mới đây, ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện Văn phòng của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại TP HCM cho rằng: Muốn xử lý được những cơ sở làm hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để các ngành chức năng vào cuộc.
“Hiện nay, chỉ cần thương hiệu nào có tên tuổi thì ngay sau đó có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào sản phẩm chính hiệu”, ông Khuê nói.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (2007- 2017), Phó thủ tướng Trương Hoà Bình thừa nhận tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp. Những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của nhân dân.
Về phía người dân, Phó thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều người tiêu dùng mặc dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn sử dụng bởi họ mới thấy lợi ích trước mắt, không thấy hậu quả khôn lường của hàng giả và tác hại to lớn với cộng đồng nền sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng chân chính. Do đó, cần tăng cường hơn nữa cho người dân hiểu.