![]() |
Bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh vi phạm. (Hình minh họa) |
Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh vi phạm được xem là giải pháp tích cực giúp học sinh sửa sai và tiến bộ.
Theo đó, khi học sinh vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo cấp học: bậc tiểu học có thể bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; bậc THCS và THPT có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
So với Thông tư số 08/TT của Bộ GD&ĐT ban hành năm 1988, hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, dự thảo quy định mới sẽ bãi bỏ các hình thức kỷ luật như: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập, đuổi học một tuần, đuổi học một năm,…
"Đây là những hình thức kỷ luật tích cực, mang tính định hướng, giúp những học sinh chưa ngoan có cơ hội được giáo dục, nhận ra cái sai của mình và sửa đổi. Học sinh ở lứa tuổi phổ thông rất cần được nhà trường định hướng và giáo dục đúng cách", một số ý kiến đồng tình với dự kiến của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, không ít giáo viên thẳng thắn cho rằng dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh với biện pháp cao nhất chỉ là "viết bản kiểm điểm" là đang "đẩy cái khó" trong giáo dục học sinh cho giáo viên và nhà trường.
Điều mà giáo viên cần nhất là sự phối hợp và lòng tôn trọng của cha mẹ học sinh khi xử lý vấn đề kỷ luật học sinh. Khi học sinh vi phạm kỷ luật, nhà trường rất cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh để giúp con nhận ra lỗi lầm thay cho sự bao bọc hay các hành vi gây tổn thương danh dự, lòng tự trọng của giáo viên.
Vì vậy cần có căn cứ cụ thể rõ ràng được quy định trong thông tư mới để có thể áp dụng các biện pháp giáo dục học sinh phù hợp, đúng quy định nhưng vẫn đảm bảo giáo dục được học sinh.