Sự việc đang xảy ra tại Hưng Yên không chỉ chứng tỏ việc cơ quan địa phương hành xử tùy tiện sai pháp luật, mà còn gây ra một điểm nóng mới về khiếu kiện khiếu nại đất đai, gây ra một tiền lệ nguy hiểm cho xã hội.
Tin nên đọc
UBND huyện Thạch Thất cưỡng chế, thu hồi đất có dấu hiệu trái luật?
Kỳ 3 - Đồng Tháp: Kỷ luật Chủ tịch xã mời gia chủ ăn nhậu sau cưỡng chế
Dự án đất vàng 'chết dí' giữa Thủ đô: Đề xuất cưỡng chế
Thái Nguyên: Người dân đang sử dụng đất hợp pháp, bỗng dưng bị UBND phường Bắc Sơn cưỡng chế?
Sau khi có đơn gửi đến các cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, làm đơn khiếu nại tố cáo gửi đến báo XLPL, ông Đoàn Bá Mạnh (SN 1975), bà Lê Thị Kim Dung (SN 1972, đại diện cho bà Lê Thị Minh Nguyệt) cùng nhiều người dân ngụ thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Sự việc rất vô lý khi chính quyền thu đất của dân để phân lô bán nền.
|
Hàng trăm ngàn m2 đất “bờ xôi ruộng mật” đã bị phân lô bán nền, nay trở thành “công trường xây dựng”. |
Bị chính quyền và doanh nghiệp dồn vào đường cùng, chúng tôi vô cùng uất ức, không chấp nhận quyết định thu hồi đất và cưỡng chế sai pháp luật”.
Có người nhấn mạnh thêm: “Tài sản hợp pháp gia đình chúng tôi cả đời gom góp mới có được. Nếu địa phương tiếp tục hành xử vô lý, cố tình dồn ép, tôi sẽ tự thiêu để phản đối việc làm sai pháp luật này”.
Dự án 7 năm bị khiếu kiện, phản đối
Ngược dòng thời gian, năm 2011, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu”. Chính quyền ra quyết định thu hồi hơn 155 ngàn m2 tại xã Dân Tiến để thực hiện dự án.
Dự án do UBND huyện Khoái Châu làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải (trong hồ sơ ghi trụ sở tại Long Biên, Hà Nội) làm nhà đầu tư.
Tuy dự án có tên “công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật”, nhưng phần diện tích chợ và công trình hạ tầng kỹ thuật (trạm xử lý nước thải) chỉ có 21 ngàn m2, còn phần nhà ở thương mại, nhà ở chia lô thì có diện tích lớn hơn gấp nhiều lần, lên tới hơn 60 ngàn m2.
Gần 300 hộ nông dân, gia đình đã bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án này. Dự án thu đất để “phân lô bán nền” này ngay lập tức bị người dân phản ứng quyết liệt.
Lý do người dân đưa ra: Thứ nhất, diện tích đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật” và nhà cửa người dân bao đời nay sinh sống ổn định, nếu không phải là dự án công ích, thì dân không di dời. Thứ hai, vì đây là dự án thương mại, thu hồi đất của dân để bán cho người khác, nên nếu muốn lấy đất, thì phải thỏa thuận đền bù cho dân chứ không được cưỡng chế.
Tuy nhiên bất chấp sự phản đối này, chính quyền vẫn phớt lờ. Với những hộ dân phản đối, địa phương lần lượt thành lập các đoàn công tác hùng hậu với cảnh sát, máy dò mìn… dùng vũ lực cưỡng chế đất của dân. Đến nay nhiều năm đã trôi qua, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, khiếu nại sự việc.
Có những nông dân thậm chí đâm đơn kiện UBND huyện ra tòa, vụ việc vẫn đang chờ cấp phúc thẩm xem xét.
“Thỏa thuận” giá rẻ mạt
Trong số hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất nói trên, ít nhất đến thời điểm hiện tại vẫn còn hai hộ dân chưa giao đất. Đó là ông Đoàn Bá Mạnh (SN 1962), bà Lê Thị Kim Dung (SN 1972, đại diện cho bà Lê Thị Minh Nguyệt) như đã nói ở trên.
Bà Dung phản bác: “Điều 61,62,63,64,65 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ các trường hợp thu hồi đất là: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Dự án “phân lô bán nền” này không thuộc các trường hợp được quyền thu hồi đất nêu trên. Vì vậy địa phương không thể dùng vũ lực cưỡng chế phá nhà, thu hồi đất nơi gia đình chúng tôi đang sinh sống”.
Trước khi đòi cưỡng chế thu hồi đất, nhà đầu tư có thỏa thuận với những hộ dân hay không? Ông Mạnh cho biết Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải có đến “thương lượng”, nhưng với cái giá đưa ra vô cùng rẻ mạt. Căn nhà kiên cố ngay mặt đường Quốc lộ 39 cùng diện tích đất 125m2 nhưng chỉ được đưa ra cái giá hơn 800 triệu đồng.
Người đàn ông giận dữ: “Theo giá thị trường, căn nhà tôi ở có giá trị gấp nhiều lần. “Đền bù” như vậy khác gì ăn cướp của dân?”.
Trường hợp gia đình bà Dung, cảm giác phẫn nộ cũng không kém. Nước mắt lưng tròng vì uất ức, người phụ nữ cho hay em gái bà có căn nhà trên thửa đất diện tích gần 300m2 từ nhiều năm nay.
Do làm ăn ở quê khó khăn, vài năm nay gia đình em gái bà tất cả vợ chồng con cái phải sang một nước Đông Âu làm thuê, mong gom góp đủ tiền sớm về quê ổn định cuộc sống. Thế nhưng vướng vào sự việc này, nhiều lần gia đình em gái bà phải dắt díu nhau về “làm việc” với chính quyền và nhà đầu tư, vừa gián đoạn công việc làm thuê, vừa hao tiền tốn của.
Không chấp nhận cái giá đền bù rẻ mạt do nhà đầu tư đưa ra, em gái bà sau đó đã ủy quyền cho chị gái ở quê giải quyết sự việc.
Phải thỏa thuận, không được cưỡng chế
7 năm sống trong uất ức và phập phồng lo ngại, tưởng như địa phương và nhà đầu tư đã biết ngừng lại để tránh đẩy sự việc đi xa hơn.
Bất ngờ đầu tháng 10/2017 vừa qua, các hộ dân lại một lần nữa nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi đất do Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Nguyễn Đức Sơn ký ban hành. Theo thông báo này, huyện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đất với các hộ dân trong khoảng thời gian từ 16/10 – 29/12/2017.
Được biết sở dĩ có quyết định cưỡng chế này, một phần vì có công văn của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hưng Hải.
Trong công văn số 76/CV-HH doanh nghiệp này gửi huyện, doanh nghiệp này còn nại ra lý do “đã nỗ lực hết sức mình để đàm phán” với các hộ dân, từ đó đề nghị Chủ tịch huyện “chỉ đạo, tổ chức cưỡng chế”.
Dự án thu đất của dân để “phân lô bán nền” hiện đã ở tình trạng “gạo nấu thành cơm”, các lối vào dự án đã thênh thang. Hàng trăm thửa ruộng “bờ xôi ruộng mật” của nông dân nay đã biến thành nền nhà, được bán cho những người khác với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần thu hồi.
Tuy nhiên phải chăng do còn thiếu lối vào phía giáp Quốc lộ 39 (một trong những trục đường chính chạy qua Hưng Yên), dự án chưa trở thành “hoàn toàn đắc địa”, nên nhà đầu tư và chính quyền huyện mới quyết liệt đòi cưỡng chế thu nhà của dân một cách trái pháp luật như thế?
Ông Mạnh cho biết: “Bị chính quyền và doanh nghiệp dồn vào đường cùng, chúng tôi vô cùng uất ức, không chấp nhận quyết định thu hồi đất và cưỡng chế sai pháp luật”. Bà Dung uất ức: “Tài sản hợp pháp gia đình chúng tôi cả đời gom góp mới có được. Nếu địa phương tiếp tục hành xử vô lý, cố tình dồn ép, tôi sẽ tự thiêu để phản đối việc làm sai pháp luật này”.
Phân tích về sự việc, luật gia Nguyễn Thế Anh (Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật đất đai, trong dự án này, nếu muốn thu hồi đất của dân, nhà đầu tư phải thỏa thuận đền bù với dân, địa phương không thể dùng vũ lực cưỡng chế thu hồi.
Ông Thế Anh nhấn mạnh: ““Thỏa thuận” nghĩa là hai bên đi đến thống nhất, “thuận mua vừa bán”, chứ không thể đưa ra cho dân một cái giá rẻ mạt rồi nói như nhà đầu tư là “đã nỗ lực hết sức mình để đàm phán””.
Luật gia Thế Anh lưu ý: “Trong một cuộc họp hồi tháng 9/2017 vừa qua, nói về việc cưỡng chế thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: “Chưa được đồng tình thì cố gắng vận động, thuyết phục, giải thích và xem lại mình chính sách đã đúng chưa, để điều chỉnh. Tới mức cưỡng chế thì hết sức thận trọng chứ không phải cái gì cũng cưỡng chế””.
Ông Thế Anh cũng cho hay: “Theo như phản ánh của dân tại khu vực này, hiện đây là một điểm nóng về khiếu nại tố cáo đất đai, nếu người dân bị “xử ép”, có thể có những hành động cực đoan, sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nguy hại không chỉ cho địa phương, mà cho cả xã hội”.
Có ý kiến cho rằng vậy theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, đây có phải là “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn”, thuộc trường hợp thu hồi đất hay không?
Luật gia Thế Anh phản bác: “Với những dự án này, cũng theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, trước tiên phải được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận”.
Được biết ngày 1/11/2017 vừa qua, HĐND tỉnh Hưng Yên cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Khoái Châu, yêu cầu xem xét khiếu nại của các hộ dân và báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh. Dự án “phân lô bán nền” trên còn khuất tất những gì?
Có lợi ích nhóm nào ở đây hay không mà địa phương lại có những động thái “quyết liệt sai luật” như vậy? Những hộ dân đã và bị đe dọa cưỡng chế thu hồi đất hiện đang sống cảnh ra sao? Cơ quan chức năng địa phương giải trình gì về sự việc? Cơ quan Trung ương nhận xét đanh giá như thế nào? XLPL sẽ tiếp tục có những bài điều tra, phản ánh về sự việc.
“Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu” này hiện còn đang vướng một vụ kiện. Đó là hộ nông dân Đỗ Thị Hoa (SN 1968, ngụ thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến), kiện đòi hủy quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế của UBND huyện, đòi UBND huyện bồi thường thiệt hại. Hồi giữa năm nay, TAND tỉnh Hưng Yên đã xử sơ thẩm vụ kiện, tuyên… hết thời hiệu khởi kiện. Bà Hoa tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Hiện theo đơn tố cáo của bà Hoa, trong phiên sơ thẩm, chính quyền địa phương đã tạo dựng chứng cứ, nhân chứng giả để cơ quan tố tụng xử sai pháp luật. |